Quảng Bình hội tụ đủ điều kiện để thành trung tâm du lịch lớn của Việt Nam và Đông Nam Á

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại Hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư năm 2023.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Sáng 25/6, tại Hà Nội, UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức “Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư năm 2023”.

Khai mạc hội nghị, ông Trần Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định, với phương châm “Thích ứng, đồng hành cùng phát triển”, Quảng Bình tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai dự án, phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu đến năm 2030 Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung; Đến năm 2050, Quảng Bình sẽ là một nền kinh tế phát triển năng động của miền Trung và cả nước, là điểm kết nối quan trọng trong ngã tư kinh tế Bắc - Nam, Đông - Tây.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá, tỉnh Quảng Bình rất quan tâm, tập trung làm tốt, đi đầu trong công tác quy hoạch và là tỉnh thứ 9 trong toàn quốc được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tỉnh. Đây là cơ sở để Quảng Bình tiếp tục triển khai các định hướng chiến lược phát triển, liên kết chặt chẽ với các tỉnh trong vùng theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về "Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết nêu trên.

Đáng chú ý, theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, với nhiều lợi thế về tiềm năng tài nguyên du lịch độc đáo, Quảng Bình hội tụ đủ các điều kiện để phát triển thành trung tâm du lịch lớn của Việt Nam và Đông Nam Á.

Do đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo, Quảng Bình cần phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tiết giảm các thủ tục, chi phí để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào Quảng Bình, thu hút doanh nghiệp và giữ chân doanh nghiệp; Phát huy tính năng động, sáng tạo của địa phương, từ lãnh đạo tỉnh, các sở ngành, địa phương các cấp đến đội ngũ chuyên viên để giúp các doanh nghiệp giải quyết nhanh chóng các giấy tờ, thủ tục đầu tư vào Quảng Bình.

“Tỉnh Quảng Bình phải xác định tầm nhìn lớn, đủ sâu, đủ rộng hơn nữa để phát triển du lịch; Nâng cao nhận thức của người dân về du lịch; Làm tốt hơn nữa công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Tỉnh cần phát triển nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng của địa phương; Phát động phong trào để thúc đẩy "mọi người đều phải làm du lịch, mỗi người dân là một sứ giả của du lịch" nhằm tạo dấu ấn rõ nét của du lịch Quảng Bình” - Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cùng các đại biểu chứng kiến lãnh đạo tỉnh Quảng Bình trao Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cùng các đại biểu chứng kiến lãnh đạo tỉnh Quảng Bình trao Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư. Ảnh: VGP

Tại hội nghị, tỉnh Quảng Bình đã trao biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 28 nhà đầu tư/31 dự án và khu vực quan đầu đầu tư với tổng vốn đăng kí 62.165 tỉ đồng (khoảng 2,7 tỉ USD). Một số dự án tiêu biểu như Xây dựng nhà ga hành khách T2 và mở rộng sân đỗ máy bay Cảng hàng không Đồng Hới với tổng vốn 1968 tỷ đồng; Mở tuyến đường du lịch kết nối TP Đồng Hới với Khu du lịch Phong Nha Kẻ Bàng với tổng vốn đầu tư 2.900 tỷ đồng….

Một số dự án trong Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: tuyến cao tốc Vũng Áng (Hà Tĩnh) - Cha Lo (Quảng Bình) dài 89 km; Tuyến đường sắt mới như Vũng Áng - Mụ Gia - Thà Khẹc (dự kiến đầu tư trong thời kỳ 2021-2030); tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (dự kiến đầu tư trong thời kỳ 2031 - 2040)…

Hệ thống cảng biển với các khu bến: Khu bến Hòn La, Khu bến Mũi Độc - chuyên dùng phục vụ Trung tâm Điện lực Quảng Trạch; Cảng cạn Hòn La (dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2025 - 2030 hoặc sau năm 2030 để kết nối với cảng biển Hòn La)…

Phương án phát triển Cảng hàng không Đồng Hới đến năm 2030 sẽ là cảng hàng không quốc nội, có hoạt động bay quốc tế. Khi khai thác ổn định các chuyến bay quốc tế thường lệ, Cảng hàng không Đồng Hới sẽ được xem xét trở thành cảng hàng không quốc tế; sân bay cấp 4C; xây dựng nhà ga hành khách mới đáp ứng công suất 3 triệu lượt khách/năm…

Đọc thêm