Quảng cáo bán hàng Việt, “lõi” toàn hàng Trung Quốc?

(PLO) - Chương trình “Phiên chợ hàng Việt về nông thôn” vừa được tổ chức ở huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) bằng nguồn ngân sách nhà nước. Nhưng hơi lạ là, cùng địa điểm và thời gian tổ chức sự kiện trên, một hội chợ thương mại khác do tư nhân tổ chức cũng diễn ra với la liệt hàng Trung Quốc, trong đó có loại không rõ nguồn gốc.
Hàng không rõ nguồn gốc, nghi nhập lậu từ Trung Quốc, được bày bán la liệt ở hội chợ thương mại
Hàng không rõ nguồn gốc, nghi nhập lậu từ Trung Quốc, được bày bán la liệt ở hội chợ thương mại
3/4  số gian hàng của tư nhân
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được Bộ Chính trị phát động trong nhiều năm nay nhằm khuyến khích người tiêu dùng sử dụng hàng Việt Nam, thúc đẩy doanh nghiệp nội địa nâng cao sức cạnh tranh. 
Trong bối cảnh đó, Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia 2015 đã triển khai Phiên chợ hàng Việt về nông thôn ở thị trấn Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn từ ngày 24/10. Đơn vị chủ trì sự kiện là Sở Công Thương Lạng Sơn, dùng ngân sách nhà nước thực hiện.
Hôm đầu tháng 11, ông Phạm Bá Hạnh, Chánh Văn phòng UBND huyện Bắc Sơn cho hay, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn được tổ chức tại sân vận động Bắc Sơn trong ba ngày (24 - 26/10/2015). Ông Hạnh thừa nhận cùng thời gian trên, một hội chợ có tên “Hội chợ thương mại Bắc Sơn 2015” do tư nhân tổ chức cũng được tiến hành song song ở sân vận động này. 
Điểm khác biệt là hội chợ tư nhân được tổ chức lâu hơn, thời gian kéo dài một tuần lễ (24/10 - 1/11). Được biết, hai hội chợ trên do ba đơn vị hợp tác thực hiện, gồm Trung tâm Xúc tiến thương mại Lạng Sơn (Sở Công Thương Lạng Sơn), Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Bắc Sơn và Công ty Cổ phần Truyền thông Hội chợ Quốc tế HZC.
Ghi nhận của PV, hai hội chợ này có chung một cổng chào. Nếu chỉ nhìn bên ngoài, nhiều người nghĩ đây là một hội chợ, thế nhưng thực chất là hai hội chợ độc lập, đó là: “Phiên chợ hàng Việt về nông thôn” và “Hội chợ thương mại Bắc Sơn 2015”. Chỉ khác là hội chợ được tổ chức bằng nguồn kinh phí nhà nước cỡ chữ trên biển quảng cáo nhỏ hơn tên hội chợ do tư nhân đảm trách. 
Phía sau cổng chào được thiết kế hoành tráng này là hai lối rẽ, bên trái vào các gian hàng “Phiên chợ hàng Việt về nông thôn”, bên phải là các gian hàng của hội chợ thương mại do tư nhân làm. Điều đáng nói, diện tích dành cho gian hàng Việt ở đây rất nhỏ (chỉ khoảng 30 gian). Do đó, từ phía khu hội chợ hàng Việt có thêm một cổng đi vào thông qua hội chợ tư nhân. Diện tích dành cho hội chợ tư nhân rất lớn, chiếm khoảng 3/4 sân vận động Bắc Sơn, với hàng trăm gian hàng được bày bán, tấp nập khách ra vào.
Hàng hóa tại các gian hàng Việt khá đơn điệu, chủ yếu là một số đồ gia dụng như bếp điện, ấm đun nước, chăn màn, quần áo; một số mặt hàng nông sản như giống rau, cây cảnh. Trong khi đó, tại khu vực hội chợ do tư nhân tổ chức, hàng hóa đa dạng, phong phú hơn nhiều. Ngoài các mặt hàng dân dụng như quần áo, giày dép, chăn màn, bóng đèn, tại đây còn có các loại đồ chơi trẻ em, thuốc đông y… 
“Lõi” toàn hàng Trung Quốc
Điều đáng nói tại các gian hàng hội chợ thương mại, ngoài một số mặt hàng có nguồn gốc Việt Nam, hàng hóa còn lại được lấy từ Trung Quốc, nhiều loại không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ.
Điển hình, tại một gian hàng bán bóng điện, chủ cửa hàng treo biển to  tướng với dòng chữ “Bóng đèn siêu tiết kiệm điện Trung Quốc 2015”, phía dưới là hàng trăm bóng đèn màu trắng được bày bán la liệt. Nội dung quảng cáo này đúng hay sai thì chưa rõ vì sản phẩm không rõ xuất xứ, chưa được kiểm nghiệm, lại được bày bán... “cả rổ” như khoai tây, trứng vịt trong chợ nông sản. Nhiều người cho rằng đó là hàng hóa được nhập lậu từ Trung Quốc nên trên sản phẩm không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ?
Tham quan mua sắm tại các gian hàng Việt không mất tiền, trong khi  muốn tham gia vào hội chợ thương mại Bắc Sơn, mỗi người phải mất vé 5.000 đồng. Ngoài ra, các buổi tối từ 24/10 đến 1/11, hội chợ tổ chức các buổi ca nhạc mời ca sĩ đến biểu diễn có bán vé (giá 25 ngàn đồng/người lớn; 10 ngàn đồng/ trẻ em). Rõ ràng, việc tổ chức hai hội chợ chồng lên nhau như vậy làm giảm đi ý nghĩa của chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, có dấu hiệu doanh nghiệp tổ chức “đánh lận con đen” nhằm hưởng lợi?
Trao đổi với PLVN về vấn đề này, ông Vũ Hồng Thủy, Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn cho hay, kinh phí nhà nước để tổ chức một chương trình đưa hàng Việt về nông thôn là khá hạn hẹp, chỉ làm được khoảng 20 - 30 gian hàng. Ngoài ra, không có kinh phí cho tổ chức văn nghệ tại hội chợ, do đó số người tham gia ít. Đại diện Sở này còn khẳng định việc “gom” hai hội chợ cùng một lúc là để có kinh phí thực hiện, đồng thời thu hút lượng người tham gia đông hơn. 
Trả lời câu hỏi tại sao ở một hội chợ “thuần” Việt, lại do cơ quan quản lý nhà nước về thương mại đứng ra tổ chức nhưng lại để “lọt lưới” những mặt hàng không xác định được nguồn gốc xuất xứ như đã nêu, Giám đốc Thủy khẳng định: “Ở các hội chợ đều có bộ phận chuyên kiểm tra chất lượng, hạn sử dụng các mặt hàng”. 
Tuy nhiên, ông này cũng thừa nhận việc bày bán tràn lan các mặt hàng như bóng điện mà không để trong vỏ hộp của doanh nghiệp là sai quy định. Ông Giám đốc cũng thừa nhận việc xuất hiện những ý kiến trái chiều và chưa tốt về tổ chức hội chợ này là có cơ sở. “Chúng tôi xác định vừa làm vừa rút kinh nghiệm cho các năm sau”, ông Thủy nói.

Đọc thêm