Quảng cáo “rác”: Kẻ dán – người gỡ

(PLO) - Cột điện, trên cây, bờ tường... tất cả những nơi công cộng đều trở thành chỗ để “ PR” quảng cáo mà những  nhà “marketing” ngang nhiên dán tờ rơi ở khắp mọi nơi làm xấu mỹ quan đô thị.
Đội trật tự đô thị phường liên tục ra quân dọn dẹp các bức tường
Đội trật tự đô thị phường liên tục ra quân dọn dẹp các bức tường

Dán bất chấp…

Trên những tuyến đường của thành phố Biên Hòa, không khó để bắt gặp những tờ giấy quảng cáo, rao vặt dán khắp nơi, từ tường nhà dân, cột báo giao thông, đến trụ điện, trạm biến áp,... Vị trí thường được lựa chọn để dán tờ rơi, quảng các là những tuyến đường có lưu lượng người qua lại đông đúc, khu vực đông dân cư để thông tin quảng cáo dễ “đập” vào mắt người dân.

Đi dọc con đường lớn Phạm Văn Thuận (TP Biên Hòa, Đồng Nai) mới thấy dường như tất cả các vị trí nói trên đều dán những mẩu quảng cáo, rao vặt. Không thiếu một thứ gì mà người ta không mang dán lên đó, song nhiều nhất là những mẫu quảng cáo về bán đất, cho vay tiền góp, thông hút hầm cầu,.. với hàng trăm số điện thoại in màu xanh, đỏ, đen chi chít đầy đường 

Không chỉ các cột điện, bờ tường,… rất nhiều cây xanh quen đường cũng trở thành tâm điểm cho các đối tượng đặt các biển quảng cáo, rao vặt. Có khi thì dùng dây buộc vào cành, còn “nhẫm tâm” hơn thì đóng đinh, gá sắt vào thẳng thân cây,.. 

Rất nhiều tờ giấy quảng cáo dán chồng lên nhau, có cái vừa mới dán, có cái lực lượng chức năng vừa mới bóc ra đã dán chồng lên, có cái mưa gió làm rách nham nhở… Tất cả những tờ quảng cáo như một “màng bảo vệ” quấn quanh các trụ điện, phủ kín các bờ tường ở tất cả những địa điểm thuận tiện để truyền tải thông tin.

Những đối tượng dán bất chấp cả ngày lẫn đêm, cứ hở trời mát mát là lại thấy nhiều người “hành nghề”. Bà Nguyễn Thị Phương – làm nghề bán nước trên đường Đồng Khởi nói: “Tôi bán ở đây mấy năm rồi mà thấy riết thành quen. Những người đó dán chủ yếu là ban đêm, ban ngày tôi thấy tôi la mà họ còn “dọa lại”

Anh Nguyễn Duy Trọng (phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) than vãn: “Nhà tôi ở mặt đường nên quanh năm suốt tháng phải chịu cảnh tờ rơi quảng cáo đầy đường. Có những hôm chỉ sau đêm ngủ dậy, thậm chí chỉ một giấc ngủ trưa tôi đã thấy xuất hiện thêm vài mẩu quảng cáo rao vặt mới toanh trên bờ tường nhà mình… Mình xé tờ này, ngày mai lại có tờ khác dán lên” 

Cũng dễ hiểu vì sao như vậy, những tờ rơi quảng cáo ít chi phí, tiện dụng nên hiện tượng quảng cáo bừa bãi này có vẻ ngày càng phát triển. Các đối tượng chỉ cần đánh máy nội dung quảng cáo, rồi in ấn, phô tô ra hàng nghìn tờ đem dán khắp các phố phường, ngõ ngách, thế là xong. Vừa đơn giản, vừa tiện lợi, vừa không phải mất chi phí quảng cáo. 

Chính quyền liên tục ra quân “gỡ”

Hưởng ứng Phong trào Ngày thứ bảy xanh - sạch - đẹp tại TP.Biên Hòa, chính quyền các địa phương liên tục tổ chức hội đoàn đi bóc, cạo, làm sạch những chỗ bị dán bừa bãi, nhưng chỉ qua một vài đêm mọi chuyện lại như cũ.

Tiêu biểu  mỗi tuần một lần, đội thanh niên trật tự đô thị phường Tam Hiệp lại ra quân dọn dẹp các trụ điện, bờ tường,.. Giữa cái nắng oi bức của trưa đầu tuần, chị Nguyễn Mỹ Linh (Bí thư Đoàn phường Tam Hiệp) than vãn: “Tuần nào cũng đi dọn dẹp máy cái quảng cáo này, nhìn vậy chứ khó gỡ lắm, không biết dán keo gì nhưng xịt nước vào cạy mới ra” 

Mặc dù chính quyền địa phương cũng có những cách giải quyết như phạt hành chính, hoặc thông báo lên nhà mạng cắt những số điện thoại trên những tờ giấy quảng cáo nhưng mọi việc vẫn chẳng đâu vào đâu.

Chị Linh kể: “Có lần thấy những mẫu quảng cáo dày đặt dán lên, chị tức quá gọi điện số điện thoại trên đó, họ chỉ xin lỗi vì nhân viên mang dán nên họ không biết, có gì để họ nhắc nhở và nhân viên đến gỡ. Tuy nhiên có đợi dài cổ thì cũng chẳng có ai đến gỡ đi mà chỉ có thêm những tờ khác tiếp tục dán lên”. Bất lực trước những đối tượng dán “rác” tặc Chị Linh cùng các đoàn dân quân tự vệ đành ngậm ngùi đi gỡ. 

Mặc dù đã cố gắng đi tuần tra bắt những đối tượng dán “rác” tặc nhưng hầu hết bọn chúng chỉ hành nghề vào ban đêm nên rất khó bắt gặp. Anh Trần Phương Tâm (Đội trật tự của phường Tam Hiệp) nói: “Rất khó để bắt gặp mà phạt những đối tượng này. Hơn nữa, hầu hết những người này là sinh viên chỉ đi làm thuê cho người khác nên cũng rất khó giải quyết”.

Thiết nghĩ, nhu cầu quảng cáo, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh là hoàn toàn chính đáng nhưng không thể “bạ đâu” cũng dán khiến cảnh quan đô thị nhếch nhác như vậy. Song song với việc ra quân xóa bỏ “rác” quảng cáo, lực lượng chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người dân để họ biết rằng hành vi dán quảng cáo, rao vặt trên là vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần có giải pháp quyết liệt hơn để hạn chế loại hình trên.

Theo Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi treo, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên trụ điện, cột tín hiệu giao thông, cây xanh nơi công cộng... bị phạt từ 1-2 triệu đồng. Nghị định 28/2017/NĐ-CP xác định rõ hơn các chủ thể bị xử lý.  Đó là ngoài việc xử phạt người có hành vi như đã nêu thì cá nhân, đơn vị, cơ sở có sản phẩm, dịch vụ hàng hóa quảng cáo cũng sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng.

Đọc thêm