Quảng cáo sai sự thật có phạm tội không?

(PLO) -Tôi có xem một đoạn quảng cáo trên mạng về thuốc trị nám, tàn nhang. Theo nội dung quảng cáo, thuốc có nguồn gốc thảo dược, cam kết rằng người sử dụng sau 1 tháng người dùng sẽ mất hoàn toàn nám và tàn nhang. Tuy nhiên, khi hết thời hạn một tháng kể khi tôi và một số người bạn mua về dùng không những thuốc không có tác dụng mà còn có hiện tượng viêm da mặt.  Vậy hành vi của người bán hàng trên có cấu thành tội quảng cáo gian dối  không? Người quảng cáo phải chịu những trách nhiệm gì? (Ngô thu Hiền – Mỹ Đình, Hà Nội)

Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân. Tuy nhiên, những hành vi quảng trên phải phù hợp với quy định của pháp luật. 

Theo đó tại điều 8 luật quảng cáo 2012 quy định những hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo như sau: 

“Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.

...”

Với quy định trên, người bán hàng đã có hành vi quảng cáo không đúng sự thật về sản phẩm thuốc trị nám, tàn nhang. Theo đó, hành của người bán hàng đã thuộc hành vi bị cấm được quy định tại  luật trên. 

Hiện nay chế tài xử phạt đối với hành vi quảng cáo trên được quy định tại điểm b khoản 5 điều 51 Nghị định 158/2013 quy định về  xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Theo đó:

Người nào có hành vi quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

Ngoài xử phạt hành chính theo quy định trên, hành vi quảng cáo gian dối còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 197 Bộ luật hình sự hiện hành nếu trước đó đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì hình phạt cho tội này là: bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Ngoài ra người phạm tội còn có thể chịu hình phạt bổ sung như sau: bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, bạn có thể tham khảo những quy định trên để bào vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Đọc thêm