Quảng Nam bàn giải pháp gỡ vướng cho các dự án xây dựng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng vừa có buổi làm việc với các DN trong lĩnh vực xây dựng, nhà thầu thi công xây dựng, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát các dự án, công trình lớn trên địa bàn.
Ông Lê Văn Dũng khẳng định không để xảy ra tình trạng “sân sau”, “sân trước”, các DN đều có cơ hội như nhau. (Ảnh trong bài: Công Huy)
Ông Lê Văn Dũng khẳng định không để xảy ra tình trạng “sân sau”, “sân trước”, các DN đều có cơ hội như nhau. (Ảnh trong bài: Công Huy)

Theo ông Dũng, hiện tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh mới đạt khoảng 45%, thuộc nhóm thấp của cả nước. Vì thế, lãnh đạo địa phương mong muốn lắng nghe khó khăn của cộng đồng DN để tìm cách tháo gỡ, cùng chung tay với tỉnh làm tốt nhiệm vụ đảm bảo tiến độ giải ngân.

Nhà thầu phản ánh một số vấn đề khó khăn

Tại buổi làm việc, các DN đã nêu thực trạng khó khăn về đơn giá cước vận chuyển, giá vật liệu xây dựng theo dự toán quá thấp so với thực tế. Đơn giá nhân công thấp, ảnh hưởng quyền lợi và mức độ cạnh tranh của DN. Hay thiếu nguyên vật liệu, thủ tục cấp phép mỏ kéo dài, thủ tục xin tận thu xử lý chậm, vướng mặt bằng…

Phản ánh đến lãnh đạo tỉnh, Giám đốc Cty CP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Trung Trung Bộ cho rằng, hiện nay giá dự toán Nhà nước ban hành không sát thực tế, có sự chênh lệch cao, gây khó khăn cho nhà thầu.

Đơn cử tại huyện Phước Sơn, giá nhân công trong dự toán được tính nhóm 1 là 169.000 - 186.000 đồng, nhưng thực tế ở công trường, Cty đã chi trả 500.000 đồng. Chênh lệch giữa hồ sơ dự toán và thực tế cũng rất lớn. Giá cát theo dự toán 363.000 đồng/m3, nhưng giá phải trả khi mua chở đến chân công trình lên đến 517.000 đồng/m3. Huyện Phước Sơn không có mỏ cát, nhà thầu phải lấy cát từ huyện Đại Lộc lên với giá rất cao. Đá xây dựng cũng trong tình trạng tương tự.

“Tôi nghĩ phải có cơ chế, hướng giải quyết cho từng địa phương. Huyện nào cũng phải có mỏ vật liệu. DN thì gặp nhiều khó khăn, phải chờ thanh toán, vay ngân hàng thì đã hết hạn mức, chờ nguồn vốn cấp về thì khá lâu. Mong các sở, ngành quan tâm tạo điều kiện cho DN, xem xét cho tạm ứng ở mức tối đa mà không sai luật”, ông Hòa nói.

Đồng tình với thực trạng giá vật liệu xây dựng, nhân công chưa sát thực tế, đại diện Cty Thanh Tiến cho rằng, hiện nay một số dự án bị vướng giải phóng mặt bằng, bàn giao theo kiểu “xôi đậu” khiến dự án chậm tiến độ. Trang thiết bị, máy móc phải “đắp chiếu” nhiều tháng chờ mặt bằng gây lãng phí, hư hao tài sản cho nhà thầu. Khi có mặt bằng, chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu tập trung nhân lực máy móc tăng ca, tăng kíp đẩy nhanh tiến độ, đồng nghĩa với việc nhà thầu phải bỏ ra chi phí lớn nhất.

Tuyệt đối không “sân trước”, “sân sau”

Tại buổi đối thoại, đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan đã giải đáp thắc mắc của các DN. Về vấn đề chênh lệch giá, ông Huỳnh Ngọc Bá, Phó Giám đốc Sở Xây dựng chia sẻ, về mặt quản lý nhà nước, Sở Xây dựng và Sở Tài chính không có cơ sở để công bố giá theo phản ánh của các nhà thầu.

Một số dự án chậm tiến độ khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ở Quảng Nam còn thấp.

Một số dự án chậm tiến độ khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ở Quảng Nam còn thấp.

“Sở Xây dựng tại nhiều cuộc họp đã đề nghị DN lấy hóa đơn của người bán, cung cấp để phối hợp ra giá. Thực tế nếu có tình trạng như DN phản ánh, cung cấp được bằng chứng; thì sẽ đề nghị công an, quản lý thị trường vào cuộc xử lý theo hình thức trốn thuế”, ông Bá nói.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, cần thẳng thắn nhìn nhận lại vấn đề, xem xét việc giá thị trường thực tế lên rất cao, nhưng quy trình thực hiện chỉ lấy hóa đơn của DN cung ứng để làm chuẩn là chưa phù hợp.

Ông Dũng giao Sở Xây dựng chủ trì nghiên cứu, nhìn các địa phương lân cận như Đà Nẵng, Quảng Ngãi làm thế nào để có giá tương đồng giữa giá các địa phương. Đồng thời, kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt chống đầu cơ, “thổi giá”, nâng giá với vật liệu xây dựng. Thời gian tới ngành chức năng vào cuộc nghiêm, nếu phát hiện Cty nào khai thác cát sỏi gian dối, mua bán hóa đơn, in hóa đơn giá thấp, bán giá cao, đề nghị UBND tỉnh thu hồi giấy phép.

Về vốn thì Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Quảng Nam kiểm soát việc này. Nếu DN đủ điều kiện thì ngân hàng hỗ trợ về vốn.

Ông Dũng cũng yêu cầu các đơn vị liên quan phải tập trung cấp phép các mỏ, làm sao cho đủ cát, đá, đất… để nhà thầu thi công. Có trách nhiệm, giải pháp căn cơ, nơi nào được chỉ định thầu thì chỉ định để DN làm.

“Trách nhiệm của chủ đầu tư cũng phải công tâm, khách quan, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, nhà đầu tư, tất cả đều có cơ hội như nhau, không “sân trước, sân sau, quân xanh, quân đỏ”. Tuyệt đối không được gây khó dễ, ưu ái nhà thầu này, làm khó nhà thầu kia, không “ngâm” hồ sơ. Nếu phát hiện cán bộ sai phạm, nhũng nhiễu phải xử lý thật nghiêm”, ông Dũng nhấn mạnh.

Về các giải pháp thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành được chỉ đạo đảm bảo nguồn cung vật liệu, tập trung giải phóng mặt bằng ở các dự án cụ thể, ký kết hợp đồng và triển khai ứng vốn theo quy định tại các dự án để đơn vị thi công thực hiện. Ngoài ra, các chủ đầu tư được yêu cầu khẩn trương thanh, quyết toán khi có khối lượng công trình, đảm bảo chất lượng công trình theo đúng quy định đề ra.

Đọc thêm