Quảng Nam nói gì khi đưa nhà máy thép lên thượng nguồn sông Vu Gia?

(PLO) - Chiều ngày 13/10, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo để thông tin về việc di dời nhà máy thép Việt Pháp gây ô nhiễm từ đồng bằng lên đầu nguồn sông Vu Gia ở huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) khiến dư luận phản ứng thời gian qua.
Họp báo thông tin về  việc di dời Nhà máy théo ô nhiễm
Họp báo thông tin về việc di dời Nhà máy théo ô nhiễm

Bà Lê Thị Tuyết Hạnh, Phó Giám đốc Sở TN-MT Quảng Nam cho biết, Nhà máy thép Việt Pháp được cấp phép đầu năm 2010, đưa vào hoạt động năm 2012 với tổng mức đầu tư hơn 300 tỉ đồng, công suất 48.000 tấn/năm. Tỉnh Quảng Nam cho phép đầu tư 50 năm trên diện tích 2,9 ha, tỉnh cho thuê đất 15 năm nhưng miễn thu tiền 11 năm.  Bà Hạnh cho rằng, số liệu quan trắt của nhà máy luôn nhận kết quả “nằm trong ngưỡng cho phép” nhưng người dân địa phương lại phản đối vì gây ô nhiễm, buộc phải di dời. Dự kiến, Nhà máy thép Việt Pháp chuyển về thôn Hoa (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang) có tổng mức đầu tư gần 1.000 tỉ đồng, công suất 180.000 tấn/năm trên diện tích 17,3 ha.

Đại diện Nhà máy thép thông tin, nguyên liệu để sản xuất phôi là sắt thép phế liệu đã qua sử dụng được thu gom trong nước và nhập khẩu của các nước Mỹ, Nhật… theo tiêu chuẩn của Việt Nam. Công ty nấu thép theo công nghệ lò điện trung tần… Mỗi ngày nhà máy thải ra gần 20m3 nước thải, chủ yếu nước thải sinh hoạt. Ngoài ra, đơn vị này cũng dẫn giải quá trình sản xuất thép của nhà máy đến công tác bảo vệ môi trường…

Đại diện Nhà máy thép thông tin về Dự án
Đại diện Nhà máy thép thông tin về Dự án

Dự kiến sẽ khởi công đầu năm 2017, cuối năm 2018 khánh thành và sản suất thép thành phẩm. Đại diện nhà máy thép Việt Pháp khẳng định, trong quá trình san lấp mặt bằng và sản xuất cũng sẽ có phát sinh ô nhiễm môi trường nhưng sẽ có giải pháp để hạn chế. 

Đối với việc dư luận đặt câu hỏi, sao không di dời nhà máy vào các khu công nghiệp, bà Võ Thị Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH thép Việt Pháp cho biết, di dời lên Nam Giang để phát triển bền vững. Quy trình sản xuất thép ở nơi mới khép kín và tiên tiến hơn nơi sản xuất cũ nên bà Hạnh mong người dân, dự luận ủng hộ để công ty hoạt động ổn định và đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương. 

Về vấn đề công ty thép này mỗi năm chỉ đóng vài chục triệu đồng tiền thuế cho ngân sách địa phương, bà Hạnh cho rằng, việc công ty của bà đóng thuế như thế nào thì có cơ quan thuế kiểm tra, đánh giá.

Tham gia tại buổi họp báo còn có đại diện lãnh đạo huyện Nam Giang. Ông A Viết Sơn, PCT huyện thông báo: “Huyện đã tổ chức họp dân bị ảnh hưởng (17 hộ dân ở gần nơi dự kiến đặt nhà máy). Hầu hết chỉ nói về công tác bồi thường có thỏa đáng hay không, về phương án TĐC có phù hợp hay không và đất sản xuất của người dân ở gần nhà máy có được sản xuất hay không? Kết quả, đa số người dân đều thống nhất. Dân chỉ mong được bồi thường, hỗ trợ TĐC thỏa đáng”

Ông Nguyễn Hồng Quang, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, tỉnh không cho chuyển công nghệ luyện thép từ phế liệu sang luyện bằng quặng. Công nghệ nhà máy không phải luyện thép từ quặng.

“Tinh thần của Quảng Nam đồng hành cùng doanh nghiệp nhưng phải đủ các điều kiện. Hiện, hồ sơ liên quan cũng chưa đủ cơ sở để chính quyền hỗ trợ số tiền trên 123 tỉ cho nhà máy thép di dời”,  ông Quang nói.

Đọc thêm