Quảng Ngãi: Gặp khó khi muốn đầu tư hệ thống xử lý nước thải cho cụm công nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - 100% cụm công nghiệp (CCN) tại tỉnh Quảng Ngãi không có hệ thống xử lý nước thải tập trung (HTXLNTTT). Vì vậy, các DN hoạt động sản xuất kinh doanh trong các CCN đều phải tự xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường, nguy cơ ô nhiễm và các sự cố môi trường luôn thường trực.
100% các CCN tại Quảng Ngãi không có HTXLNTTT. (Ảnh: Vũ Vân Anh)
100% các CCN tại Quảng Ngãi không có HTXLNTTT. (Ảnh: Vũ Vân Anh)

Doanh nghiệp phải tự xử lý

CCN làng nghề Tịnh Ấn Tây (thuộc xã Tịnh Ấn Tây, TP Quảng Ngãi) là một trong những CCN gây ô nhiễm. CCN này không có HTXLNTTT. Toàn bộ nước thải của các nhà máy, cơ sở sản xuất sau khi được xử lý cục bộ đều “mạnh ai nấy xả thải” trực tiếp ra hệ thống kênh chìm, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất người dân trong khu vực.

Ông Võ Đức (ngụ xã Tịnh Ấn Tây) cho biết, nước kênh ở gần CCN làng nghề Tịnh Ấn Tây có màu xanh, đen. Mỗi lần có DN xả môi trường, nước bốc mùi hôi hám rất khó chịu. Người dân lo lắng, nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương nhưng tình trạng chưa được khắc phục.

Mới đây, tháng 2/2024, UBND tỉnh đã có quyết định xử phạt 330 triệu đồng với Cty TNHH Sản xuất & Thương mại Sinh Lộc (hoạt động tại CCN làng nghề Tịnh Ấn Tây) vì có hành vi xả thải có chứa các thông số nguy hại vào môi trường vượt quá quy chuẩn kỹ thuật. Trong đó, nhà máy sản xuất mạch nha công nghiệp của DN này xả chất thải có chứa chất xyanua vượt trên 21 lần quy định.

Theo ông Nguyễn Tấn Tiền, Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Ấn Tây, sau gần 20 năm được đầu tư và thu hút DN vào sản xuất kinh doanh, một số vấn đề về môi trường đã từng xảy ra tại CCN làng nghề Tịnh Ấn Tây. Một số vụ xả thải khiến cá chết hàng loạt, nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm. Vào mùa hè, nguồn nước ô nhiễm, thậm chí còn ảnh hưởng đến một số xã phía đông bắc TP Quảng Ngãi.

Tại CCN La Hà (huyện Tư Nghĩa), ông Bùi Minh Tuấn, chủ nhà máy bê tông La Hà cho biết, hệ thống xử lý nước thải hiện đại của DN không có và CCN La Hà cũng không có HTXLNTTT. Thế nên từng DN phải tự xử lý bằng phương pháp thô sơ và thủ công, ít nhiều cũng gây ô nhiễm môi trường.

Tại CCN Đồng Dinh (huyện Nghĩa Hành), vì lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường, nhiều DN đã chủ động đầu tư trạm xử lý nước thải riêng với kinh phí 700 triệu đồng. Tuy nhiên, những DN này vẫn không yên tâm vì những sự cố môi trường ngoài ý muốn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do đó, DN mong muốn có một HTXLNTTT được chính quyền địa phương đầu tư.

Ông Phạm Quốc Vương, Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Nghĩa Hành cho hay, đến nay HTXLNTTT tại CCN Đồng Dinh vẫn chưa được đầu tư do gặp khó về kinh phí. UBND huyện đã một số lần đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ đầu tư HTXLNTTT.

Khó thu hút các đơn vị đầu tư hạ tầng về môi trường

Theo tìm hiểu của PLVN, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 19 CCN, phần lớn đều nằm gần khu dân cư. Các DN hoạt động sản xuất kinh doanh trong các CCN đều phải tự xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường nên nguy cơ ô nhiễm và các sự cố môi trường luôn thường trực. Một số DN, để tiết kiệm chi phí, đã lén lút xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý sơ sài ra môi trường.

Năm 2019, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã bố trí 10 tỉ đồng cho TP Quảng Ngãi đầu tư HTXLNTTT ở CCN làng nghề Tịnh Ấn Tây, với công suất 500m3/ngày đêm. Nhưng UBND TP Quảng Ngãi trả lại vốn đầu tư.

Ông Trà Thanh Danh, Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi lý giải, qua đăng ký chính thức của các cơ sở kinh doanh ở CCN làng nghề Tịnh Ấn Tây, tổng nhu cầu đăng ký xả thải qua trạm xử lý nước thải tập trung chỉ 35m3/ngày đêm. Cân đối, tính toán, UBND TP nhận thấy, việc đầu tư 10 tỉ đồng để làm trạm xử lý nước thải tập trung 500m3/ngày đêm, nhưng chỉ vận hành xử lý 35m3/ngày đêm là thật sự không hiệu quả. Do đó, UBND TP trả lại vốn, không đầu tư.

Bà Trần Thị Hạ Vũ, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh cho biết, Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022 quy định, tất cả các CCN đều phải đầu tư HTXLNTTT. Nếu CCN nào chưa có HTXLNTTT, trong thời gian 24 tháng phải đầu tư theo đúng quy định. Vậy nhưng, tại tỉnh Quảng Ngãi, dù đã quá hạn theo quy định nhưng 100% các CCN tại địa phương này đều chưa đầu tư HTXLNTTT.

Ngoài ra, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản liên quan, nếu không có hạ tầng môi trường, sẽ không được thu hút các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khi có lượng nước xả thải và không cho tăng công suất của các dự án mà không phù hợp với quy hoạch. “UBND tỉnh cũng có chỉ đạo cho các sở, ngành, địa phương thu hút các đơn vị đầu tư hạ tầng về môi trường. Ngoài ngân sách nhà nước, cũng cần nguồn kinh phí từ xã hội hoá lĩnh vực này ở các CCN. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa kêu gọi được”, bà Vũ cho hay.

Đọc thêm