Quảng Ninh: Bỏ hoang phí nhà máy điện gần nghìn tỷ

(PLO) - Điển hình của sự buông lỏng quản lý, đầu tư thiếu tính toán dẫn đến  tham nhũng và lãng phí, Nhà máy điện diesel Cái Lân là một trong nhiều dự án khủng bị bỏ hoang của Tập đoàn Vinashin đến nay chưa có lời giải, khiến cho hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế của dân hư hao theo thời gian.
Toàn bộ 6 tổ máy Nhà máy điện đã dừng hoạt động từ năm 2009
Toàn bộ 6 tổ máy Nhà máy điện đã dừng hoạt động từ năm 2009

Dự án nghìn tỷ đang dần chở thành đống sắt vụn

Nhà máy điện diesel Cái Lân (TP Hạ Long, Quảng Ninh) có giá trị quyết toán A - B lên tới 939,5 tỷ đồng, do Tập đoàn Vinashin làm chủ đầu tư giao cho  đơn vị con là Cty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Cái Lân thực hiện.

Nhà máy gồm 6 tổ máy với công suất 6,5 MW/tổ máy, có mục tiêu cung cấp điện cho một Nhà máy cán Thép gần đó. Được xây dựng từ năm 2003 theo hình thức EPC với một đối tác nước ngoài, và chính thức vận hành từ tháng 4/2007 đến 10/2009 thì “chết lâm sàng” cho đến nay.

Trong khu vực nhà máy rộng hàng chục hecta, cỏ lau mọc khắp nơi cao hơn đầu người, tất cả đã xuống cấp, hoang tàn, sắt thép hoen gỉ và bám bẩn, không một bóng dáng công nhân. Toàn bộ giàn máy móc, thiết bị trong xưởng rộng mênh mông cũng dừng hoạt động từ lâu, bị phủ bụi và bị bỏ mặc từ gần 7 năm qua. Cơn bão lớn giữa năm 2012 đổ vào Quảng Ninh đã làm cuốn tung nhiều lớp mái nhà xưởng, phần lớn máy móc, thiết bị nằm phơi sương gió, đến cuối năm 2014 mái mới được lợp lại. 

Được biết, gần đây Nhà máy điện mới được SBIC hỗ trợ kéo lại điện phục vụ cho công tác bảo vệ. Trước đó, Nhà máy này là nơi tối tăm, ẩm thấp nhất ở khu vực Cái Lân, luôn trong tình trạng không điện, không nước. Bên cạnh đó, lực lượng bảo vệ mỏng, không có điện bảo vệ nên đã xảy ra nhiều vụ trộm cắp thiết bị, đến nay chưa ai thống kê được thiệt hại do thiên tai, trộm cắp tại Nhà máy này.

Theo báo cáo mới nhất vừa được Tổng Cty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) gửi Bộ GTVT đầu tháng 12/2015 nêu rõ, hiện nay toàn bộ Nhà máy Điện đã hiện rõ những dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp của thiết bị, đặc biệt là đối với các thiết bị điện, hệ thống thủy lực đặt sâu dưới các tầng hầm. Nhiều thiết bị như cứu hỏa, điều hòa, thông gió, máy công cụ… được lưu giữ, bảo quản theo kiện, thùng đặt rải rác trong các khu xưởng đều rất khó giữ được chất lượng ban đầu.

Cùng chung “số phận” với dự án Nhà máy điện là Trạm biến áp TBA 110 KV/10,5 KV có giá hơn 200 tỷ cũng “chết” theo, sau mấy năm gắng gượng bằng cách mua điện của EVN rồi bán cho các nhà xưởng trong cụm công nghiệp, nhưng do lượng điện tiêu thụ tại các nhà máy trong cụm quá thấp không đủ bù tiêu hao. Cứ vận hành Trạm điện thì lại phát sinh lỗ, do vậy buộc phải dừng hoạt động. Kể từ đó nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng cũng không có, tất cả bỏ mặc cùng mưa nắng, hoen gỉ và xuống cấp nghiêm trọng.

Điều đáng lo ngại là tình trạng “chết lâm sàng” đã lan khắp cụm công nghiệp phụ trợ đóng tàu của SBIC. Các nhà máy được Vinashin lập ra với hy vọng khép kín chu trình chế tạo tàu biển, như Nhà máy Cửa nhựa, Nhà máy Cấu kiện thép trị giá nhiều nghìn tỷ đồng được đầu tư đều đã tan hoang, chìm trong lau lách. Các đoàn công tác của Bộ GTVT đến đây tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn cũng thưa dần, mặc cho cụm công nghiệp phụ trợ rơi vào cảnh hoang tàn, mục nát.

Một góc Nhà máy điện hiện đã mục nát, xuống cấp nghiêm trọng
Một góc Nhà máy điện hiện đã mục nát, xuống cấp nghiêm trọng

Không thể khắc phục hậu quả

Ngay sau khi đưa Nhà máy vào hoạt động, nhiều thiết bị chính đã thường xuyên hỏng hóc, trong khi phụ tùng thay thế không có nên ngay trong giai đoạn cao điểm nhất, Nhà máy cũng chỉ chạy chưa tới 1/2 công suất thiết kế. Trong đó, Tổ máy số 5 có thời gian chạy lâu nhất là 11.393 giờ. Nguyên nhân dẫn đến hậu quả nghiêm trọng này là do toàn bộ thiết bị chính của Nhà máy điện diesel được tháo dỡ, mua lại từ một nhà máy điện cũ sử dụng từ thập niên 70 của thế kỷ trước tại Trung Quốc.

Vì thế, sau hơn 2 năm hoạt động, nhà máy lỗ hơn 62 tỷ đồng, các khoản nợ không có khả năng thanh toán lên tới 107,5 tỷ đồng và 27 triệu USD, vượt xa vốn điều lệ của Cty TNHH MTV Điện Cái Lân Vinashin là 163 tỷ đồng. Nguy cơ sẽ còn thiệt hại lớn hơn nhiều khi toàn bộ Nhà máy Điện đang chở thành đống sắt vụn trong thời gian không xa. Bên cạnh đó, hậu quả xã hội đã thấy rõ là hàng trăm công nhân mất việc làm; hàng chục hécta đất nông nghiệp chuyển đổi thành đất phi nông nghiệp bỏ hoang hóa, trong khi quỹ đất có hạn.

Thông tin từ ông Hoàng Việt Văn, Phó Tổng Giám đốc Cty Công nghiệp tàu thủy Cái Lân cho biết, trong 3 năm qua, Tổng Cty SBIC đã từng chào giá bán nguyên khối nhưng không ai mua, còn bán sắt vụn cũng không xong vì các chủ nợ không đồng ý. Trong khi đó, chỉ riêng tiền thuê đất của Nhà máy Điện đã nợ lên đến hàng chục tỉ đồng chưa thanh toán.

Ngoài sự buông lỏng, thiếu kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng trong quản lý trong đầu tư, dẫn đến tham nhũng lớn trong vụ án này. Điều đáng nói hơn chính là chủ trương cho phép đầu tư thiếu tính toán, đầu tư bừa bãi, không hiệu quả, đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn sự lãng phí và hệ lụy kéo dài về sau. Họ sẵn sàng bỏ ra hàng nghìn tỷ đầu tư Nhà máy Điện chỉ để đảm bảo sự ổn định điện năng cho Nhà máy Cán thép ở gần đó, trong khi điện lưới quốc gia khu vực này hoàn toàn có đủ công suất cung cấp và giá điện lại thấp hơn nhiều so với giá điện do Nhà máy Điện diesel sản xuất ra. 

Theo ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết: “Quyết định tái cơ cấu Vinashin năm 2013 đã xác định các dự án kể trên của Công ty Công nghiệp tàu thủy Cái Lân thuộc diện bán, chuyển nhượng chứ không trong danh mục giữ lại của SBIC. Bên cạnh đó, chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ giao Bộ Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc Bộ có ngành nghề sản xuất kinh doanh phù hợp nghiên cứu dự án để tiếp nhận vận hành, quản lý. Sau khi Bộ Công Thương lựa chọn được đối tác tiếp nhận dự án, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo SBIC tổ chức thuê tư vấn xác định giá trị thực tế của Nhà máy để làm căn cứ bàn giao”.

Như vậy, kể cả trong trường hợp tiếp tục khôi phục hoạt động chở lại thì Nhà máy Điện cũng không thể tồn tại vì giá điện diesel quá cao so với giá điện lưới quốc gia. Đại án Vinashin đã được đưa ra xét xử, những người chịu trách nhiệm đã và đang phải trả giá nhưng hậu quả đống sắt thép hàng nghìn tỉ đồng của Nhà nước không dễ gì sớm được giải quyết, hệ lụy của nó có lẽ không thể tìm ra lời giải.

Đọc thêm