Kinh ngạc trước cảnh tượng lạ trong biệt thự bỏ hoang ở Đà Lạt

(PLO) - Những ngày chuẩn bị chào mừng Quốc khánh 2/9/2016, chúng tôi trở lại thăm Dinh I (King Palace) - một chứng tích lịch sử của “thành phố hoa” có liên quan đến vị vua cuối cùng của đất nước An Nam - Bảo Đại và Tổng thống Đệ nhất Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm, vừa được UBND tỉnh Lâm Đồng giao về cho Cty CP Hoàn Cầu Đà Lạt đầu tư, nâng cấp sau hàng chục năm bị bỏ hoang phế…
Biệt thự ngoài  Dinh I được nâng cấp lại năm 2016.
Biệt thự ngoài Dinh I được nâng cấp lại năm 2016.

Không tin mắt mình

Theo con đường Trần Quang Diệu (phường 10, TP Đà Lạt) rợp bóng thông mát rượi, chúng tôi đặt chân đến Dinh I. Ngôi Dinh hoang phế, điêu tàn ngày nào giờ đã “lột xác” trở thành một lâu đài tráng lệ với tên mới: King Palace.

Qua khỏi cánh cổng sắt uốn lượn khá cầu kỳ và uy nghi, hai hàng cây bạch dương xinh xắn hiện ra trước mắt chúng tôi với những băng ghế khá đẹp để du khách nghỉ chân trong tiếng nhạc không lời văng vẳng, dặt dìu. Căn biệt thự bên ngoài Dinh hoang tàn ngày nào, giờ cũng đã được sửa sang, nâng cấp và khoác lên một màu áo mới.

Từ xa Dinh I hiện ra một cách quý phái, sang trọng với màu vàng nguyên bản năm xưa. Phía trước là bồn hoa lớn hình tròn với nhiều sắc hoa rực rỡ, được bao bọc bởi rặng thông xanh biếc. Con đường dẫn vào khu dinh thự giờ cũng đã được lát đá khá đều và đẹp. Chiếc xe ngựa xinh xinh như trang điểm thêm cho vẻ đẹp của Dinh. 

Phòng họp Nội các trong Dinh I. (Ảnh zing.vn)
Phòng họp Nội  các trong Dinh I. (Ảnh zing.vn)

Cô hướng dẫn viên xinh đẹp với giọng nói truyền cảm đưa chúng tôi đi tham quan toàn bộ dinh thự nguy nga này.Tại lầu 1, ngoài sảnh chính để đón tiếp khách, hai bên tòa nhà là hai phòng khách. Phía sau còn bốn căn phòng là phòng văn thư, phòng chuyển tiếp, vệ sinh và bếp. Cuối lầu 1 bên phải còn có một studio được trang trí ngai vàng, võng lọng sơn son thếp vàng để phục vụ nhu cầu chụp ảnh của du khách.

Căn phòng quan trọng nhất của Dinh nằm ở lầu 2 của tòa nhà. Phòng Nội các là nơi diễn ra các cuộc họp quan trọng của Quốc trưởng Bảo Đại thời kỳ 1949-1954. Tại đây cũng diễn ra các cuộc bàn mưu, định kế về chiến sự của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa (VNCH) Ngô Đình Diệm từ năm 1955-1963.

Phòng làm việc của vua Bảo Đại nằm ở lầu 2. Tường phía trên lò sưởi còn treo cây súng săn và những tấm hình ghi lại những cuộc đi săn của Cựu hoàng. Giữa căn phòng có một cây đàn piano. Những vật dụng trước đây như máy nghe nhạc đĩa than, kệ lò sưởi, giá sách, bàn ghế... đều được phục chế lại. Chiếc điện thoại cổ được đặt trong góc phòng Nội các. Một chiếc điện thoại khác với tai nghe và mic nói riêng biệt được đặt trong phòng làm việc của Nguyễn Đệ - Bí thư của Bảo Đại - ở lầu 1.

Tại lầu 2 còn có 3 phòng ngủ của cựu hoàng Bảo Đại, Hoàng hậu Nam Phương và bà Từ Cung nằm đối diện nhau qua dãy hành lang. Sau này, Ngô Đình Diệm cũng sử dụng căn phòng ngủ của Bảo Đại nhưng cho sửa sang lại và xây dựng thêm đường hầm bí mật khá kiên cố. Đường hầm bí mật được thiết kế từ tầng 2 của Dinh, có tam cấp đi xuống ra đến tận sân sau để đến bãi đáp trực thăng.

Để đảm bảo an toàn, Ngô Tổng thống đã cho xây lối vào đường hầm ngay cạnh đầu giường trong phòng ngủ. Phía trước được ngụy trang bằng một giá sách, chỉ cần đẩy nhẹ sang một bên là có thể bước vào cửa sắt dẫn xuống đường hầm. Phía dưới đường hầm được xây dựng bê tông cốt thép khá chắc chắn cao gần 2m rộng 1,5 m, có ngách để làm 3 phòng: Phòng làm việc và nghỉ ngơi của Tổng thống, phòng điện đài cơ yếu, phòng bảo vệ. Có máy phát điện liên tục 24/24h và toàn bộ được điều khiển tự động.

Thực ra, đường hầm này chỉ là bí mật của chế độ Việt Nam Cộng hòa.Tuy nhiên, điều đáng tiếc là đến nay đường hầm vẫn chưa được mở ra để du khách tham quan, vì theo người phụ trách Dinh cho biết đường hầm này vẫn do Bộ Quốc phòng quản lý!. 

Khúc quanh lịch sử

Cho tới bây giờ nhiều người dân Đà Lạt vẫn chưa quên: Năm 1949 Bảo Đại quyết định bỏ ra 500.000 đồng tiền Đông Dương để mua lại ngôi biệt thự xinh đẹp này của một chủ trang trại người Pháp tên là Robert Clément Bourgery xây dựng từ năm 1940 trong khuôn viên rộng hơn 60 ha, đồng thời cho sửa sang lại toàn bộ nhằm có nơi làm việc cho các quan chức triều Nguyễn để làm “Tổng hành dinh”.

Năm 1956, sau khi “hất cẳng” Bảo Đại, Thủ tướng Ngô Đình Diệm lên nắm quyền Tổng thống liền ký Sắc lệnh số 06 tịch thu toàn bộ tài sản của Bảo Đại và hoàng thân quốc thích. Đến cuối năm 1958, việc tịch thu mới xong. Dinh I được dành riêng cho Tổng thống, 

Sau năm 1975, Dinh I được giao về cho Tỉnh đội Lâm Đồng quản lý. Đến năm 1991, ngôi Dinh được giao cho Cty Du lịch Lâm Đồng liên doanh với Cty Danao khai thác kinh doanh du lịch, nhưng không hiệu quả. Sau đó Dinh I bị đóng cửa, bỏ hoang hàng chục năm trời, nên xuống cấp một cách thảm hại. Đến cuối năm 2014, UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định cho Cty CP Hoàn Cầu đầu tư sửa chữa ngôi Dinh nhằm khai thác kinh doanh du lịch. Đến nay, Công ty đã đầu tư 100 tỷ đồng để tu sửa, khôi phục lại hiện trạng kiến trúc ban đầu.

Các thí sinh dự thi Hoa hậu Hoàn vũ tại Dinh I.
Các thí sinh dự thi Hoa hậu Hoàn vũ tại Dinh I.

Ngày 16/6/2015 UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Cty CP Hoàn Cầu Đà Lạt với tổng vốn đầu tư là 700 tỷ đồng nhằm nâng cấp, trùng tu Dinh I  thành khu nghỉ dưỡng cao cấp. Dự án có diện tích gần 182.000m2,  trong đó đất xây dựng, vườn hoa, cây cảnh hiện có thuộc khuôn viên Dinh I  là hơn 18.600m2 và hơn 163.0000 m2 rừng cảnh quan. Ngoài việc nâng cấp các hạng mục gồm tòa nhà Dinh I, các biệt thự, khu nhà đón tiếp và khuôn viên, Công ty còn được xây dựng thêm khu nghỉ dưỡng cao cấp trên diện tích rừng cảnh quan với khách sạn từ 150-200 phòng, khu nhà hàng - hội nghị từ 500-800 chỗ, 27 căn biệt thự các loại. 

Ngày 19/9/2015, Cty chính thức khai trương đón khách tham quan Dinh I với tên mới: King Palace. Đặc biệt, trong ngày khai trương Dinh I bừng sáng bởi sự hiện diện của 45 thí sinh dự vòng bán kết Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2015. Nhiều quan khách và công chúng như bị hút hồn, bởi 45 “bông hoa biết nói” của toàn quốc tụ hội về đây khoe sắc.

Ngày 10/6/2016 Lễ rước tượng sáp vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương về Dinh I được thực hiện. Đây là lễ rước tượng đầu tiên tại Việt Nam. Vua và Hoàng hậu được rước bằng xe ngựa cùng với đoàn tùy tùng đi trên tuyến đường Trần Hưng Đạo, tiến về Hồ Xuân Hương rồi dừng chân tại Dalat Palace – nơi ghi dấu ấn sự gặp mặt của hai người, trước khi về Dinh I - King Palace.

Hôm nay, đến Dinh I - King Palace du khách được trải nghiệm các trò chơi gắn liền với tên tuổi của vị vua cuối cùng của triều Nguyễn như: Cưỡi ngựa vi hành, chụp ảnh lưu niệm với trực thăng, chơi bắn cung, chơi golf, du hành bằng xe ngựa từ khách sạn Palace đến Dinh I và ngược lại. Bên cạnh đó là quầy bán hàng lưu niệm, quầy giải khát, khu cà phê vườn Thượng uyển, khu cà phê và hòa nhạc vào các tối cuối tuần. Ngoài ra, Công ty còn tổ chức Team Building, tổ chức tiệc cưới và hội họp chuyên đề… nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách và người dân địa phương. 

Trao đổi với chúng tôi, anh Huỳnh Phước Thọ - Trợ lý giám đốc Dinh I- King palace cho biết: “Tổng lượng khách đến Dinh I – King Palace từ ngày khai trương đến tháng 8/2016 là 70.000 lượt du khách trong và ngoài nước. Thời gian qua, do thời tiết tại Đà Lạt 6 tháng mưa, nên kế hoạch trùng tu cải tạo tổng thể Dinh I để đưa vào khai thác kinh doanh bị chậm. Sắp tới, Cty chúng tôi dự định xây dựng Dinh I trở thành sản phẩm du lịch văn hóa của của Đà Lạt nói riêng và của tỉnh Lâm đồng nói chung. Bên cạnh đó, sẽ khai thác thêm các dịch vụ lưu trú nghỉ dưỡng và các dịch vụ du lịch sinh thái”.

Dịp Quốc khánh 2/9 năm nay, đến  Dinh I- King palace du khách sẽ có dịp  hồi tưởng lại một quá khứ vàng son của vị vua cuối cùng của đất nước An Nam và một Đệ nhất Tổng thống Việt Nam Cộng hòa độc tài, đầy tham vọng đã lùi sâu vào dĩ vãng khó quên.

Đọc thêm