Quảng Ninh: “Cú hích” phát triển dịch vụ công

(PLO) - UBND tỉnh Quảng Ninh vừa nhận được Tờ trình của Cty CP Đầu tư phát triển Công nghiệp TTP xin  đầu tư 650 tỷ đồng theo hình thức hợp tác công tư (PPP) vào Dự án Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả.
Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả dự kiến được đầu tư theo mô hình PPP
Với dự định nâng cấp thành bệnh viện (BV) hiện đại, với quy mô 500 giường bệnh đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày một cao của người dân vùng mỏ, đây là hạ tầng dịch vụ công thứ 3 trên địa bàn Quảng Ninh thu hút được nguồn lực thông qua hình thức  PPP, đưa nguồn vốn đầu tư theo hình thức này trên địa bàn tỉnh trong hai năm qua lên tới con số 1.510 tỷ đồng.
Điểm sáng gọi vốn
Theo Đề án của Cty TTP, sau khi được UBND tỉnh Quảng Ninh chuyển giao nguyên trạng toàn bộ hạ tầng, cơ sở vật chất, nhân lực BV Đa khoa Cẩm Phả, doanh nghiệp (DN) sẽ đầu tư 650 tỷ đồng vào cơ sở khám chữa bệnh này để đưa BV Đa khoa Cẩm Phả trở thành BV hiện đại, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho bệnh nhân bảo hiểm y tế, các đối tượng chính sách xã hội cũng như cung cấp dịch vụ y tế công, dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu tại BV Đa khoa Cẩm Phả. 
 Quá trình đầu tư, nâng cấp BV Đa khoa Cẩm Phả được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1, nhà đầu tư sẽ xây dựng tòa nhà điều trị 18 tầng, trong đó từ tầng 1 đến tầng 9 sẽ phục vụ khám nội trú, từ tầng 10 đến tầng 18 sẽ khám ngoại trú và một số nhà chức năng khác với đầy đủ các công năng, quy trình khám và điều trị khép kín, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của một BV hiện đại với quy mô 350 giường bệnh theo hướng hiện đại. 
Giai đoạn 2, nhà đầu tư nâng cấp trang thiết bị và cơ sở vật chất, hoàn thiện dây chuyền công năng của toàn BV, đầu tư nâng cấp hiện đại hóa trang thiết bị cho tất cả các khoa phòng; thu hút, tuyển dụng nhân lực chất lượng cao để nâng quy mô BV lên 500 giường bệnh.
Trước đó năm 2014, Quảng Ninh cũng đã kêu gọi được Cty CP Tập đoàn Đầu tư Quảng Ninh đầu tư gần 500 tỷ đồng vào xây dựng tòa nhà 25 tầng, diện tích sàn hơn 31.000m2, tòa nhà Liên cơ quan số 3, dự kiến là nơi làm việc của 16 cơ quan thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh trên địa bàn phường Hồng Hà, TP.Hạ Long. 
Một doanh nghiệp khác - Cty CP Tập đoàn Hoàng Hà cũng đã chi trên 360 tỷ đồng  xây dựng công trình trụ sở Liên cơ quan số 4 với tổng diện tích 7.500m2, diện tích quy hoạch xây dựng kinh doanh dịch vụ là 1.780m2, đảm bảo diện tích làm việc cho 10 cơ quan của các Ban xây dựng Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể của tỉnh Quảng Ninh. Cả hai công trình được đầu tư theo hình thức PPP này đều có thời gian thực hiện trong 24 tháng, dự kiến năm 2016 sẽ được đưa vào sử dụng.
Mới đây, tỉnh Quảng Ninh bàn giao Sân vận động (SVĐ) Trung tâm TP.Cẩm Phả cho Cty CP Khai thác khoáng sản vàng Hà Giang đầu tư theo mô hình PPP để DN này quản lý, khai thác SVĐ Trung tâm TP.Cẩm Phả. Cty CP Khai thác khoáng sản Hà Giang đã đầu tư, nâng cấp nhiều hạng mục như dựng 4 cột đèn chiếu sáng, làm mới ghế ngồi cho khán giả, phòng tiếp khách...
Theo ông Lê Quang Tùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, mô hình PPP tại BV Đa khoa Cẩm Phả không chỉ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao cho người dân, du khách và người nước ngoài đến Quảng Ninh làm việc mà còn mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao khi Nhà nước không phải bỏ ra trên 600 tỷ đồng đầu tư mới cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế cho BV…
“Chìa khóa” của nhiều dự án 
Theo Nghị định 15/2015 về đầu tư theo hình PPP có hiệu lực từ  10/4/2015, đây là  hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để thực hiện quản lý, vận hành dự án kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công.
Mô hình đầu tư PPP đã được các quốc gia như Anh, Hoa Kỳ, Úc, Pháp, Hàn Quốc thực hiện phổ biến từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, để xây dựng những cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ công cộng. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, trong giai đoạn 1994-2009, Việt Nam đã có 32 dự án được thực hiện theo mô hình PPP với tổng mức vốn cam kết khoảng 6,7 tỉ đô la. Ngoài hình thức đầu tư PPP, các mô hình đầu tư BOT, BT, BTO là những hình thức đầu tư được nhiều nhà đầu tư quan tâm. 
Theo ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, từ tháng 6/2014 Thủ tướng đã cho phép Quảng Ninh được triển khai thí điểm các mô hình PPP. Quảng Ninh đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai đầu tư và quản lý theo hình thức PPP do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Trên cơ sở thí điểm mô hình PPP của Quảng Ninh, các bộ, ngành đã có đánh giá hiệu quả của mô hình này trước khi cho nhân rộng. 
Nghị định 115/2015 có hiệu lực, Quảng Ninh tiếp tục mở rộng, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án theo hình thức PPP, coi đây là hướng đi trọng tâm trong thu hút đầu tư thời gian tới. Đến nay, Quảng Ninh đã ban hành danh mục 64 công trình áp dụng thí điểm triển khai các mô hình PPP, giao nhiệm vụ đầu mối thực hiện cho 14 huyện, thị xã, thành phố và 12 sở, ban, ngành thuộc tỉnh thực hiện. 
Theo ông Nguyễn Đức Long, đầu tư theo mô hình PPP không chỉ tăng nguồn lực đầu tư cho nhiều dự án quan trọng mà còn là cơ sở để Quảng Ninh mạnh dạn áp dụng thí điểm mô hình “Lãnh đạo công - Quản trị tư”, “Đầu tư công - Quản lý tư” và “ Đầu tư tư - Sử dụng công”. 

Đọc thêm