Quảng Ninh đẩy mạnh chuyển đổi số trong đồng bào dân tộc thiểu số

(PLVN) -Để đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tiếp cận với công nghệ thông tin (CNTT) và ứng dụng CNTT hiệu quả, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 212/KH-UBND, ngày 16/8/2023 về thực hiện Đề án chuyển đổi số và ứng dụng CNTT trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025.
Thành viên Tổ công nghệ số thôn Tân Sơn, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà đến tận nhà tuyên truyền cho người dân.

Với nhiều tiện ích mang lại, chuyển đổi số đang được Quảng Ninh đẩy mạnh triển khai, đặc biệt ở vùng đồng bào DTTS, qua đó giúp người dân tiếp cận các chính sách dân tộc nhanh chóng, hiệu quả, đồng thời ứng dụng trong đời sống và sản xuất, từng bước thu hẹp khoảng cách vùng miền.

Chị Chìu Mãn Múi (xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên) hiện nay thường xuyên sử dụng các nhóm zalo, facebook và các ứng dụng số trên điện thoại thông minh.

Chị Múi chia sẻ: Từ ngày tôi được tổ công nghệ số trong thôn hướng dẫn sử dụng các ứng dụng, đặc biệt là nhóm zalo của thôn, tôi thấy rất hiệu quả. Thông tin đưa lên nhóm zalo được truyền tải nhanh chóng, nên tôi có thể nắm bắt kịp thời lịch thông báo họp thôn, các chính sách cho người dân, các thành viên trên nhóm còn có thể thảo luận, chia sẻ. Bên cạnh đó, việc có mạng Internet đã giúp cho các con tôi có điều kiện học tập rất tốt.

Hiện nay, chuyển đổi số cũng đang là “đòn bẩy” quảng bá sản vật, đặc sản, các sản phẩm OCOP, thúc đẩy phát triển du lịch ở vùng cao. Đơn cử như thông qua mạng xã hội, các fanpage, mô hình du lịch sinh thái tại thác Khe San (xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên) hiện nay đã được nhiều du khách biết đến.

Anh Trần Văn Mạ, quản lý Khu du lịch sinh thái thác Khe San chia sẻ: Từ khi Đoàn Thanh niên thôn hướng dẫn chúng tôi lập fanpage để quảng bá, giới thiệu phong cảnh, cũng như các dịch vụ tại thác Khe San, đã giúp thu hút khách đến đây rất nhiều. Vào mùa hè, mỗi ngày chúng tôi đón hàng trăm lượt khách đến lưu trú, trải nghiệm.

Đồng thời, giúp đồng bào DTTS trong việc tiếp cận thông tin về KHCN và quảng bá sản phẩm địa phương tới bạn bè trong và ngoài nước. Tăng cường giao tiếp, trao đổi thông tin đa chiều giữa người dân với cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan triển khai chương trình thông qua các phương thức thông minh, thuận tiện, xóa bỏ rào cản về khoảng cách. Bên cạnh đó, đối mới phương thức, tố chức các hoạt động tuyên truyền, truyền thông về chương trình thông qua nền tảng mạng xã hội, các nền tảng công nghệ số...


Đồng bào dân tộc thiểu số đã cảm thấy hào hứng khi sử dụng các ứng dụng số trên điện thoại thông minh.

Để hỗ trợ người DTTS về CNTT đáp ứng chuyển đổi số, thời gian qua tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương đã đến tận nhà văn hóa thôn, các hộ gia đình để hướng dẫn bà con những nội dung về chuyển đổi số. Cùng với việc tăng cường tuyên truyền hướng dẫn bà con tiếp cận với ứng dụng số, trong thời gian qua, các đơn vị viễn thông trên địa bàn tỉnh đã tích cực thực hiện kế hoạch phủ sóng di động, cáp quang Internet tại những vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo trên địa bàn Quảng Ninh.

Đến nay, đã hoàn thiện xong hạ tầng 57 trạm BTS và triển khai cáp quang sẵn sàng cung cấp dịch vụ Internet băng rộng cố định cho các thôn, bản. Nhờ đó hiện nay vùng phủ và tín hiệu sóng di động ổn định, người dân ở xa khu vực trung tâm cũng dễ dàng tiếp cận sử dụng mạng Internet để liên lạc, học tập, phát triển bản thân và giải trí.

Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng hành của người dân, chuyển đổi số đã và đang mang lại lợi ích thiết thực, làm thay đổi nhận thức, cũng như diện mạo cho đồng bào vùng DTTS trên địa bàn, góp phần vào thành công chung trong thực hiện nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh.

Đọc thêm