Quảng Ninh lấy ý kiến tham gia vào nhiều dự thảo Luật

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức nhiều hội nghị tham vấn, lấy ý kiến vào nhiều dự thảo Luật để trình tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Sáng 14/5, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Thu Hà chủ trì hội nghị tham vấn, lấy ý kiến vào dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2030.

Tại hội nghị, các đại biểu đều đồng tình với tính cấp thiết của chủ trương này, nhất là trong bối cảnh tỉnh Quảng Ninh đã và đang dành sự quan tâm đặc biệt đến phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh, coi đây là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng phục vụ cho sự phát triển. Tuy nhiên, điều quan trọng là sử dụng nguồn vốn ngân sách hiệu quả, đồng thời huy động được đa dạng các nguồn lực xã hội hóa.

Việc ban hành Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về văn hóa, di sản văn hóa; sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về di sản văn hóa; tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; đảm bảo tính kế thừa, tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Di sản văn hóa với các luật khác có liên quan. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, các hoạt động dịch vụ, hợp tác công tư trong lĩnh vực di sản văn hóa... đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.

Lãnh đạo Sở văn hóa và thể thao tỉnh Quảng Ninh đóng góp ý kiến vào dự thảo luật.

Lãnh đạo Sở văn hóa và thể thao tỉnh Quảng Ninh đóng góp ý kiến vào dự thảo luật.

Trên cơ sở nghiên cứu, tìm hiểu nội dung dự thảo Luật, các đại biểu đã thảo luận và có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng, dựa trên thực tế những thuận lợi, khó khăn, thách thức trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh những năm qua. Trong đó, các đại biểu dành nhiều sự quan tâm đến các chính sách nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động của các cơ quan trực tiếp quản lý di sản, tăng cường nội dung, trách nhiệm, cơ chế thực hiện phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước về di sản văn hóa từ Trung ương đến địa phương. Chính sách về thúc đẩy xã hội hóa và thu hút, nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Đáng chú ý có nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề điều chỉnh ranh giới và phân cấp quản lý vùng đệm, vùng lõi di sản để tạo điều kiện cho địa phương phát triển. Vấn đề này xuất phát từ thực tế di sản thế giới Vịnh Hạ Long có hơn 305ha vùng đệm, trải dải từ Hạ Long cho tới Cẩm Phả, Vân Đồn, Quảng Yên. Hiện nay trong Luật Đầu tư có quy định về việc đầu tư dự án thuộc phạm vi khu vực bảo vệ của di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Cần có những nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể hơn đối với công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị, triển khai dự án đầu tư xây dựng trong vùng đệm, vùng lõi đối với những di sản đặc biệt tầm thế giới như Vịnh Hạ Long.

Lãnh đạo công an tỉnh Quảng Ninh tham gia ý kiến tại hội nghị.
Lãnh đạo công an tỉnh Quảng Ninh tham gia ý kiến tại hội nghị.

Trước đó, ngày 13/5, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tham gia vào 2 trên 6 dự thảo luật do Bộ Công an chủ trì xây dựng trình Quốc hội, các đại biểu tại hội nghị đã tham gia đóng góp ý kiến như: Một số quy định về tiêu chuẩn quốc gia trong phòng cháy chữa cháy; cần có sự đồng bộ về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để thuận lợi cho việc áp dụng luật trong thực tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh; đơn giản hóa quy định thủ tục hành chính về thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy; bổ sung điều luật hợp tác quốc tế phòng cháy chữa cháy tại địa bàn biên giới; làm rõ các lực lượng tham gia phòng cháy chữa cháy…

Đối với dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến để nâng cao tính chặt chẽ của luật như: Cần bổ sung thêm vào luật việc mua sắm, sử dụng đối với từng loại dao cụ thể trong mục vũ khí thô sơ hoặc mục công cụ lao động để áp dụng luật trong từng trường hợp; quy định cụ thể các loại vũ khí thể thao để quản lý và sử dụng; phân cấp thẩm quyền cấp phép và phê duyệt các nội dung đối với việc trưng bày triển lãm các loại vũ khí; quy định về sản xuất và kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp…

Đại biểu quân đội tham gia ý kiến tại hội nghị.
Đại biểu quân đội tham gia ý kiến tại hội nghị.

Về tham vấn, lấy ý kiến vào dự án Luật Địa chất và khoáng sản (sửa đổi) và Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), trên cơ sở nghiên cứu, tìm hiểu nội dung của các dự thảo Luật, các đại biểu đã thảo luận và có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng với Đoàn ĐBQH tỉnh, dựa trên thực tế hoạt động quản lý, khai thác khoáng sản, sản xuất kinh doanh, quản lý thuế tại Quảng Ninh thời gian qua.

Đối với dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), các đại biểu tập trung vào các quy định về đối tượng không chịu thuế, kê khai khấu trừ thuế, quy định bỏ áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%; trách nhiệm của cơ quan thuế trong xử lý hồ sơ đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng…

Kết luận các hội nghị, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Thu Hà ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Qua đó, giúp Đoàn ĐBQH tỉnh có thêm thông tin để tổng hợp, nghiên cứu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện dự thảo các luật.

Đọc thêm