LTS: Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh (30/10/1963 – 30/10/2023) là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, Nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh. Cột mốc năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, có tính bản lề và ý nghĩa quan trọng đối với việc hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt trên cả 3 trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường. Đây cũng là dịp tổng kết, nhìn nhận, đánh giá, khẳng định những kết quả đạt được qua 6 thập kỷ xây dựng và phát triển của tỉnh đối với sự phát triển chung của đất nước.
Từ những bước gian nan khởi đầu
Từng được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ví như “Một Việt Nam thu nhỏ”, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, tỉnh Quảng Ninh luôn được Trung ương xác định có vị trí trọng yếu về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; có vị trí rất quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và cả nước.
Nhìn về 6 thập kỷ trước, chính quyền được thành lập vào năm 1963, ngay lập tức đã gặp phải sự khởi đầu vô cùng gian nan. Đó là vừa phải thúc đẩy sản xuất công nghiệp, phát triển kinh tế xã hội, vừa phải chống lại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Ngày 5/8/1964, máy bay Mỹ ném bom mở đầu thời kỳ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Cũng trong năm 1964, Quảng Ninh còn hoàn thành vượt mức khai thác 1 triệu tấn than đề ra, đưa tỉnh trở thành đầu tàu trong ngành công nghiệp khai thác than của cả nước.
Trải qua thời kỳ chiến tranh, quân và dân tỉnh Quảng Ninh vẫn cố gắng giữ vững và duy trì sự ổn định và phát triển các lĩnh vực hoạt động trên đất mỏ, bên cạnh việc anh dũng chiến đấu chống giặc ngoại xâm.
Ngành than Quảng Ninh có vai trò và đóng góp quan trọng trong sự phát triển chung của đất nước (Nguồn: Báo Quảng Ninh) |
Trong thời kỳ đầu đổi mới 1986 – 2010, việc thực thi cơ chế chính sách đổi mới đã tạo cho Quảng Ninh một diện mạo mới và bước phát triển nhanh chóng. Thực hiện công cuộc đổi mới theo đường lối Đại hội lần thứ VI của Đảng tháng 12/1986, tỉnh Quảng Ninh chú trọng phát triển các ngành khai thác than đá, sản xuất thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu.
Phát huy truyền thống “kỷ luật và đồng tâm”, công nhân ngành than tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, đưa tỉnh Quảng Ninh trở thành một trong những đầu tàu công nghiệp của miền Bắc.
Năm 2005 đánh dấu một mốc son của ngành khi Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam được thành lập. Sản lượng khai thác than được tăng lên đáng kể. Nếu như năm 1964 sản lượng than chỉ đạt trên 1 triệu tấn; hơn 30 năm sau, năm 1995 con số này chỉ ở mức 7,6 triệu tấn, thì năm 2011, tập đoàn đã khai thác được 48,2 triệu tấn với doanh thu đạt trên 93 ngàn tỷ đồng.
Giai đoạn 2010 – 2016, Quảng Ninh tiếp tục kế thừa những thành tựu quan trọng đạt được sau hơn 25 năm đổi mới và bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đặc biệt khó khăn.
Song, với sự nỗ lực, sáng tạo, quyết tâm đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng bộ, chính quyền các cấp, các ngành cùng với sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, những khó khăn từng bước được khắc phục; kinh tế - xã hội được duy trì ổn định và đạt mức tăng trưởng phù hợp.
… Đến cực tăng trưởng ở khu vực phía Bắc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Quảng Ninh ngày 6/4/2022. (Nguồn: TTXVN) |
Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Ninh ngày 6/4/2022 về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV nhiệm kỳ 2020 – 2025, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hoan nghênh và biểu dương sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu và những kết quả, thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Quảng Ninh đã đạt được trong thời gian qua, nhất là trong những năm gần đây. Quảng Ninh trở thành một trong những tỉnh tiêu biểu, đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực, trở thành một điểm sáng về đổi mới của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng ở khu vực phía Bắc.
Đến nay, tỉnh Quảng ninh đã trải qua 60 năm xây dựng và phát triển mọi mặt kinh tế xã hội, 36 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nhất là trong hơn 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).
Tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành đưa điện lưới quốc gia đến 100% các thôn, bản vùng cao, biên giới và các đảo có người dân sinh sống. Bên cạnh đó, mở rộng cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Diện mạo thành thị và nông thôn của tỉnh được thay đổi rõ rệt, nhất là tại các khu vực đặc biệt khó khăn, nông thôn, miền núi, biên giới, biển, đảo.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự phối hợp, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương; trên nền tảng kết tinh của các thế hệ; Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã không ngừng nỗ lực, đoàn kết, sáng tạo, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, dấu ấn nổi bật trên mọi phương diện; tạo bước phát triển bứt phá, đưa Quảng Ninh từ một địa phương nằm trong tình trạng yếu kém, chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của Trung ương trở thành một trong những tỉnh công nghiệp, dịch vụ năng động, sáng tạo, đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực.
Biểu hiện cụ thể, trong 7 năm liên tục 2016 – 2022, tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng GRDP trên hai con số, tốc độ đô thị hóa đứng ở tốp đầu cả nước chỉ sau các thành phố trực thuộc Trung ương. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện đáng kể; quy mô, tiềm lực của nền kinh tế tăng lên rõ rệt; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững hơn.
Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh thực hiện tốt các mục tiêu, như chính trị ổn định, xã hội trật tự, giữ vững kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh; quốc phòng, an ninh được bảo đảm, chủ quyền biên giới, biển, đảo quốc gia được giữ vững, không để xảy ra các tình huống bị động, bất ngờ; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển.
Đặc biệt, trải qua 03 năm COVID-19, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều quyết sách khoa học, đúng đắn, táo bạo, sát thực tiễn, phát huy hiệu quả, giữ vững địa bàn “An toàn - Ổn định - Phát triển trong trạng thái bình thường mới”.
Tỉnh Quảng Ninh ngày nay hiện đang dẫn đầu về tăng trưởng trong nhiều lĩnh vực. (Nguồn: Vneconomy) |
Trong 9 tháng đầu năm 2023, dù chịu ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế khó khăn sau đại dịch và những tác động của việc biến động giá nguyên nhiên liệu (than, xăng dầu) trên thế giới, nhưng tỉnh Quảng Ninh vẫn đạt được nhiều kết quả tốt trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt chú trọng, bám sát chủ đề công tác năm 2023 là “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân.
Cụ thể, theo báo cáo của Sở Công thương tỉnh, mức tăng trưởng các chỉ tiêu ngành Công thương được giao đều cơ bản đạt và vượt và có lĩnh vực còn tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Công tác phối hợp với các Sở, ban, ngành, các địa phương được duy trì thường xuyên và kịp thời đối với các hoạt động công nghiệp – thương mại trên địa bàn. Đồng thời, công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính được triển khai quyết liệt, theo hướng giảm thủ tục, giảm thời gian giải quyết, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Có thể thấy, những thành tựu mà tỉnh Quảng Ninh đạt được thời gian vừa qua có dấu ấn không nhỏ của việc đổi mới tư duy nhận thức, xác định tầm nhìn trong chủ trương và hành động cũng như vun đắp và nuôi dưỡng khát vọng vươn lên.