Kiều trong “Dưới bóng giai nhân” là nhân vật nhiều nỗi niềm, xuất hiện trong 11/14 phân cảnh, song được đánh giá bản lĩnh khi luôn tự đưa ra những lựa chọn cho cuộc đời mình.
|
Không chỉ thu hút về ngoại hình đẹp, diễn xuất nội tâm lẫn hình thể của Hồng Ánh giúp nàng Kiều lột tả được nỗi buồn lẫn nỗi đau trong mỗi một giai đoạn thăng trầm của cuộc đời.
|
Hồng Ánh trong một cảnh của vở “Dưới bóng giai nhân”. |
Trong khi đó, Hoạn Thư (Thanh Thủy) cũng được kể dưới góc nhìn cảm thông hơn. Người đàn bà nổi tiếng có máu ghen tuông, từng hành hạ, đánh đập Kiều trong tác phẩm gốc thì nay có phần yếu mềm và thấu hiểu hơn.
Hoạn Thư sẵn sàng nhận mình là “gái độc không con” để chồng thoát tiếng vô sinh. Cô giữ đúng chuẩn mực đàn bà “công danh ngôn hạnh” như bố mẹ dạy, chấp nhận cười nói vui vẻ thay vì công khai vạch trần người chồng đam mê tình ái Thúc Sinh (Công Danh).
Cách Hoạn Thư để chồng mình cầm đòn roi đánh Kiều, đối thoại với Kiều trong đêm say hay lột quần áo của chính mình và Kiều đòi “chỉ cho ta cách chiều chồng bằng kỹ năng ái ân của gái lầu xanh” là điểm mới của vở diễn.
|
Hoạn Thư được kể theo hướng cảm thông hơn so với tác phẩm gốc. |
Đạm Tiên (Mỹ Duyên) cũng xuất hiện cảm xúc. Nhân vật như một chiếc bóng của Kiều, cùng Kiều tâm sự nỗi lòng. Hoàng Trinh cũng ghi điểm với vai Tú Bà Lã Thu. Không chỉ là người đàn bà lẳng lơ và đanh đá, Lã Thu cũng có những phút giây rất đỗi yếu lòng khi nhớ lại thời tuổi trẻ của mình.
Có thể thấy, trong câu chuyện của “Dưới bóng giai nhân”, nhân vật Thúy Vân và Kim Trọng đã được lược bỏ bớt so với tác phẩm gốc. Thay vào đó, sự xuất hiện của nhân vật mới Khương Cẩu (Trịnh Minh Dũng), hay việc tăng đất diễn cho Bạc Bà (Tuyền Mập), Bạc Hạnh (Bạch Long), Hồ Tôn Hiến (Đình Toàn)... tạo thêm sự kịch tính cho câu chuyện. Trong khi Từ Hải (Đại Nghĩa) hiện lên là một người anh hùng lý tưởng, oai dũng, kiên cường.
|
|
|
Theo tác giả, mỗi nhân vật trong câu chuyện đều là vai chính. |
Ở vở diễn lần này, ngoài câu chuyện, diễn xuất, thì cách bài trí phân cảnh, âm nhạc, vũ đạo, phục trang bắt mắt là điểm cộng, tạo cảm xúc nơi người xem. Sau mỗi phần chuyển cảnh, không ít người bày tỏ sự trầm trồ với tâm huyết, sự đầu tư chỉn chu của ê-kíp - đúng như những gì mà Quang Thảo tiết lộ cùng phóng viên:
“Nói về mình hay khen mình là một điều tôi chưa từng làm. Nhưng trong dự án này, cho phép tôi một chút công bằng với bản thân mình. Tôi khá vất vả với “Dưới bóng giai nhân”. Tôi đã dốc hết tâm huyết cho nó. Xin cho tôi tự được khẳng định, đây là một tác phẩm hay nhất, lớn nhất, lạ nhất, hiện đại nhất từ trước tới giờ của tôi. Đây là một sự công bằng với tâm sức mà tôi bỏ ra. Nói đây là một bước chuyển mình với tôi là đúng.
Vì một vở kịch có tới 14 cảnh mà còn có quá nhiều nhân vật để kể. Trong kịch, mọi người thường quen với việc có cặp chính - kép chính, đào chính. Nhưng ở đây, với tôi tất cả diễn viên đều là vai chính. Và cái khó của đạo diễn là làm sao để giữ chân khán giả từ màn một đến màn cuối, làm sao để đáp ứng được tính giải trí.
Tôi hay nói vui: “Mình muốn cho người ta uống một chén thuốc, thì phải cho người ta một viên đường”, chứ sao mình bắt người ta uống thuốc mà không cho đường được… Với tôi, việc dẫn dụ của đạo diễn làm sao để khán giả tiếp thu những thông điệp nhân văn đó một cách ngọt ngào là vô cùng quan trọng”.
|
|
Vở diễn được khen vì sự tâm huyết, đầu tư, đặc biệt là ở bối cảnh, phục trang, âm nhạc. |
“Dưới bóng giai nhân” dự kiến ra mắt tại Nhà hát Bến Thành (TP HCM) trong tháng 12.