Quảng Trị: Công tác hòa giải cơ sở góp phần ổn định an ninh, trật tự trên địa bàn

(PLVN) -Thời gian gần đây, được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương, công tác hòa giải cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có nhiều chuyển biến tích cực. Qua đó, kịp thời giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, góp phần giữ gìn tình làng nghĩa xóm cũng như đảm bảo an ninh trật tự; hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn. PV đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Kỳ (Giám đốc Sở Tư pháp Quảng Trị) về vấn đề này.

-Thưa ông, ở Quảng Trị công tác tuyên truyền hòa giải cơ sở được thực hiện dưới những hình thức nào? 

Các hình thức được thực hiện như: Xây dựng chuyên mục hòa giải cơ sở trên trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp để đăng tải văn bản, tiếp nhận tư vấn và trao đổi thông tin hòa giải. Tổ chức các Hội nghị tuyên truyền; bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho hòa giải viên ở cơ sở; lồng ghép vào các cuộc họp thôn, bản, khu phố. Các báo cáo viên của Sở Tư pháp đã tích cực tham gia nhiều cuộc tuyên truyền pháp luật về Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật Dân sự, Luật Phòng chống ma túy… 

Chúng tôi còn tuyên truyền thông qua các hội nghị hòa giải viên giỏi, hội thi tìm hiểu pháp luật; thông qua các hoạt động của đoàn thể chính trị; qua mô hình câu lạc bộ. 

Tuyên truyền thông qua hệ thống phát thanh, tờ rơi pháp luật, tài liệu tuyên truyền. Sở Tư pháp còn phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thực hiện nhiều chuyên mục Pháp luật và Đời sống về chuyên đề hòa giải cơ sở. Trong năm qua, Sở Tư pháp đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thực hiện 24 chuyên mục: “ Pháp luật và Đời sống” phát trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh nhằm phổ biến, tuyên truyền về các văn bản pháp luật; các chủ trương, chính sách, các vấn đề xã hội quan tâm...  Ngoài ra, còn phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường phát sóng 12 Chuyên mục tuyên truyền về bảo vệ tài nguyên và môi trường; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát sóng 03 phóng sự, 07 Chuyên mục về kiểm lâm...

Trong 6 tháng đầu năm 2020 Sở Tư pháp đã tổ chức 2 cuộc phổ biến pháp luật với 160 lượt người tham gia. Tổng số tài liệu phát hành: 160 bản. Số lượng tin bài đăng lên trang TTĐT của Sở là 82 tin bài.  Ở các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh đã tổ chức 62 cuộc phổ biến pháp luật với 4361 lượt người tham gia¬. Tổng số tài liệu phát hành miễn phí: 11285  bản. Còn ở các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức 306 cuộc phổ biến pháp luật với 23096 lượt người  tham gia¬. Tổng số tài liệu phát hành: 37291 bản.

-Ông đánh giá như thế nào về công tác hòa giải cơ sở trên địa bàn thời gian qua? Những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện?

Cho đến nay, 100% thôn, bản, tổ dân phố đều có tổ hòa giải. Toàn tỉnh hiện có 156 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; 210 báo cáo viên cấp huyện và  962 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. 

Từ năm 2014-2018, toàn tỉnh tiếp nhận 4282 vụ, hòa giải thành: 3730 vụ. Trong năm 2019, tiếp nhận 645 vụ việc hòa giải; trong đó, hòa giải thành là 518 vụ, hòa giải không thành là 104 vụ, chưa giải quyết xong là 23 vụ.  Trong 6 tháng đầu  năm nay, tiếp nhận 226 vụ việc; hòa giải thành 166 vụ, chưa giải quyết xong là 26 vụ tỉ lệ hoà giải thành đạt 73%.

Về thuận lợi: Ở Quảng Trị công tác này luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh; ngoài ra Sở luôn nhận được sự hướng dẫn về nghiệp vụ của Bộ Tư pháp.

Còn khó khăn: Phải nói đến là điều kiện kinh phí bố trí cho hoạt động còn hạn chế do đó việc tuyên truyền, phổ biến chưa được thường xuyên và sâu rộng, hình thức còn nghèo nàn (chủ yếu là tổ chức Hội nghị, tuyên truyền miệng); cơ sở, phương tiện tuyên truyền còn thiếu nên hiệu quả đem lại đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa cao. Ở cấp xã cũng vì lý do kinh phí nên hoạt động còn bị động, lúng túng, hiệu quả đem lại chưa cao. 

-Vậy ông có những đề xuất để công tác hòa giải cơ sở đạt được hiệu quả cao hơn?

Đề nghị Bộ Tư pháp quan tâm hỗ trợ về công tác tập huấn nghiệp vụ về phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở nhiều hơn nữa. Ngoài ra, cũng quan tâm bố trí nguồn kinh phí cho việc thực hiện các chương trình.

Đề nghị Ủy ban nhân dân các cấp tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện nhằm đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đến với mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

Các Sở, ban, ngành trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình cũng cần quan tâm hơn nữa đến công tác này .

-Xin cám ơn ông!

Đọc thêm