Quê em ở Trường Sa…

(PLVN) - “Quê em ở Trường Sa/Những đảo chìm, đảo nổi/Quê em có biển trời/Bốn mùa xanh bao la/Sinh ra ở Trường Sa/Em là con của biển…” - những vần thơ mà các em nhỏ trên quần đảo Trường Sa đọc cứ ngân nga, ngân vang trong tâm trí mỗi thành viên đoàn công tác chúng tôi về một cuộc sống nơi đầu sóng ngọn gió…
Các cháu thiếu nhi và các chiến sỹ vui chơi trên đảo Trường Sa Lớn. (Ảnh: Trần Nhất).

Từ tàu KN 491, hướng về phía đảo Song Tử Tây, hòn đảo đầu tiên mà Đoàn công tác số 19 đi thăm và tặng quà là một màu xanh với những mái nhà nhấp nhô, những cột điện gió hiên ngang trên nền trời. Một không gian yên bình như bao vùng quê của đất nước…

Đón đoàn, ngoài các chiến sĩ hải quân còn có các chị, các mẹ với áo dài cờ đỏ sao vàng và những nụ cười sáng nắng. Đặc biệt, các cháu thiếu nhi tung tăng, rạng rỡ trong đồng phục áo cờ đỏ sao vàng hồn nhiên, ríu rít. Nhiều bé ngồi hẳn vào lòng khách không chút e dè, mỗi khi máy ảnh giơ lên là “automatic” giơ tay chào như chú bộ đội tí hon…

Phó Chủ tịch UBND xã Song Tử Tây Cao Văn Giáp chia sẻ, so với trước, cuộc sống vật chất, tinh thần của người dân trên đảo đã và đang từng bước được cải thiện. 100% hộ đều có nhà riêng, được xây dựng khang trang; có điện sinh hoạt và được trang bị tivi dễ dàng thu sóng của VTV, cùng những đồ dùng sinh hoạt cần thiết. Đặc biệt, Trường Tiểu học xã Song Tử Tây được xây dựng kiên cố, có cả đồ chơi ngoài trời cho các cháu…

Anh Phạm Ngọc An đang chăm 2 bé sinh đôi trên chiếc xe nôi chia sẻ, gia đình anh đã ra đảo được 1 năm và rất yên tâm khi sống ở đảo, đặc biệt sau này con cái cũng được đi học đầy đủ…

Ở đảo Sinh Tồn, các thành viên trong Đoàn công tác đã được dự một tiết học của thầy giáo Phạm Quang Tuấn. Ở tuổi 56, sau hơn 35 đứng lớp ở đất liền, thầy giáo Tuấn quyết định dành phần thời gian công tác còn lại của mình để đem con chữ đến với các con, những công dân tương lai của quần đảo Trường Sa. Cùng với những khó khăn của cuộc sống nơi đảo xa, việc phải cùng lúc đứng lớp với các lớp học từ mầm non đến tiểu học là cả “thách thức” với thầy giáo già khi phải dạy các con múa, hát, đọc thơ…

“Con tên là Phạm Anh Thư, 5 tuổi. Con học lớp mầm non Trường Tiểu học xã Sinh Tồn, sau đây còn xin đọc bài thơ: Quê em ở Trường Sa…” - sau lời giới thiệu rất hồn nhiên, bé Anh Thư đọc thơ bài thơ khiến rất nhiều người trong Đoàn công tác xúc động: “…Em là con của biển/Những chuyến tàu yêu thương/Mang hơi ấm đất liền/Nhà em đảo Sinh Tồn/Còn bạn Song Tử Tây/Sẽ thấy vui biết mấy/Nếu đảo gần nhau hơn/Mỗi bước em đến trường/Phong ba rợp bóng mắt/Chú hải quân đứng gác/ Thân thương quá đi thôi/Các bạn đất liền ơi/Một lần ra đảo nhé/Tự hào em sẽ kể/Quê em ở Trường Sa…”.

Lớp học của thầy Tuấn hôm đó đã phải thay đổi thời khóa biểu để tham gia chương trình văn nghệ giao lưu cùng các chiến sĩ và Đoàn công tác. Dẫn các con ra sân khấu, thầy Tuấn lặng lẽ lùi xuống dưới sân khấu dõi theo từng động tác, mắt ông lấp lánh niềm vui…

PV Báo PLVN với các cháu thiếu nhi trên đảo Song Tử Tây.

Chúng tôi ghé thăm gia đình một công dân trên đảo Song Tử Tây. Chủ nhà là anh Lê Thanh Tuấn và chị Bùi Thị Kim Ngọc. Một ngôi nhà khang trang như bao ngôi nhà khác trong đất liền. Ngoài những đồ dùng thiết yếu như như: tivi, tủ lạnh, tủ cấp đông, quạt, bếp từ, bếp dầu…, thiết bị không thể thiếu là bộ cấp điện năng lượng mặt trời. Sau nhà là vườn rau với nhiều loại rau quả và có cả mấy giò phong lan sắp trổ hoa.

“Những ngày đầu ra đảo, bọn em cũng rất nhớ đất liền. Nhưng rồi chúng em gắn bó ở nơi này từ lúc nào không biết. Có khi vào đất liền ít ngày lại muốn quay về đảo ngay” - chị Ngọc cười chia sẻ.

Ở đảo Trường Sa Lớn, chúng tôi đã gặp cảnh các chiến sĩ hải quân đang vui chơi cùng các cháu nhỏ trên đảo. Một bạn nhỏ hồn nhiên chia sẻ: “Con thích sống ở đảo vì ở đây có ba mẹ, có thầy giáo rất thương yêu bọn con và còn có các chú bộ đội nữa”.

Chia sẻ với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, thầy giáo Cao Văn Truyền, Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa cho biết, trường có 2 thầy giáo với 10 học sinh từ lớp mầm non đến lớp 3. Nói về nguyên do đến với Trường Sa, thầy giáo trẻ sinh năm 1989, người dân tộc Raglai cho biết, đó là ý chí, khát vọng của tuổi trẻ muốn được dấn thân và cống hiến.

Với thầy Lê Xuân Hạnh (sinh năm 1971), khi biết tin được cử ra đảo theo diện bổ sung vào tháng 9/2023, thầy không khỏi bất ngờ. Từng có 15 năm dạy học ở điểm trường vùng sâu, vùng xa, ra dạy học ở đảo Trường Sa, thầy bảo mình vừa là người thầy, vừa là người ông của đám trẻ nơi đây…

Chương trình giao lưu văn nghệ giữa Đoàn công tác với quân và dân trên đảo Trường Sa Lớn là một kỷ niệm không bao giờ quên với mỗi thành viên Đoàn công tác. Một chương trình nghệ thuật có thể không hoành tráng nhưng được chính các chiến sĩ dàn dựng và biểu diễn đã hoàn toàn chinh phục người xem, trong đó cả các văn nghệ sĩ.

Đóng góp vào thành công của chương trình, có tiết mục của thầy trò Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa, hát về quê hương Trường Sa, về những người con sinh ra từ biển, về những con người ở đầu sóng ngọn gió đang chung sức xây dựng Trường Sa…

Đọc thêm