Ngày 17/5, chính phủ Tây Ban Nha đã thông qua một dự luật cho phép nữ lao động nghỉ phép có lương trong những ngày kinh nguyệt và bảo vệ quyền phá thai của phụ nữ.
“Hôm nay tôi muốn gửi một thông điệp ủng hộ quốc tế đối với tất cả phụ nữ đang đấu tranh cho quyền sinh sản và tình dục. Chúng tôi phải đảm bảo rằng chính phụ nữ mới là người quyết định điều gì xảy ra với cơ thể của họ", Bộ trưởng Bình đẳng giới Irene Montero phát biểu trước các phóng viên.
Theo CNBC, nữ lao động tại Tây Ban Nha có thể được phép nghỉ có lương trong 3 ngày nếu đau bụng kinh và có giấy xác nhận của bác sĩ. Một số trường hợp đặc biệt có thể được phép nghỉ đến 5 ngày.
Ngoài ra, dự luật cũng đề xuất các cơ sở giáo dục cung cấp sản phẩm vệ sinh dành cho phụ nữ khi cần thiết. Dự luật sẽ loại bỏ thuế VAT liên quan đến các sản phẩm băng vệ sinh được cung cấp trong trường học hoặc nhà tù.
Trước đó, dự luật trên đã gây ra một cuộc tranh luận ở Tây Ban Nha về việc liệu các quy định mới có ảnh hưởng đến vị trí của phụ nữ ở nơi làm việc hay không. "Điều này có thể khiến các nhà tuyển dụng gặp mâu thuẫn khi đưa ra quyết định có nên tuyển dụng lao động nữ hay không", sinh viên 21 tuổi Pablo Beltran Martin chia sẻ.
Tuy kinh nguyệt xuất hiện do sự thay đổi hormone sinh dục của người phụ nữ nên nhiều người cho rằng xin nghỉ vào kỳ kinh nguyệt là do sức khỏe có nhu cầu. "Tôi nghĩ thật tuyệt khi phụ nữ đến kỳ kinh nguyệt có thể xin nghỉ vài ngày, giống như bất kỳ người lao động nào khác gặp vấn đề về sức khỏe", nữ diễn viên kiêm ca sĩ Christina Diaz (28 tuổi) chia sẻ.
Dự thảo cũng đề cập đến việc kéo dài thời gian nghỉ thai sản (có lương) trước khi sinh con và một số thay đổi đối với luật phá thai. Cụ thể, thanh thiếu niên từ 16 đến 17 tuổi có thể phá thai mà không cần hỏi ý kiến cha mẹ.
Ngoài Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc và Zambia là ba trong số ít các nước cho phép nữ lao động nghỉ trong giai đoạn kinh nguyệt.