Sáng nay (22/10), Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của 4 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên - Huế.
Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Thừa Thiên Huế là những địa phương đều có Nghị quyết riêng của Bộ Chính trị về phát triển. Riêng Hải Phòng là một trong những tam giác phát triển của phía bắc (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh), cực tăng trưởng mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong buổi thảo luận tại tổ sáng 22/10/2021. Ảnh: VOV |
Đánh giá cao tính cần thiết của việc ban hành các Nghị quyết, tuy nhiên các đại biểu nhấn mạnh, cơ chế đặc thù phải được nghiên cứu dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương; có tác động lan tỏa vùng miền; gắn với đề cao tính tự lực, tự cường, phát huy tính năng động, sáng tạo.
Đồng thời, cơ chế đặc thù phải phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước, không ảnh hưởng lớn đến vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương theo quy định của Hiến pháp; không làm tăng bội chi ngân sách nhà nước và trần nợ công đã được Quốc hội quyết định.
Nhấn mạnh về chủ trương nhất quán “nâng trên và đỡ dưới", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ, "nếu địa phương nào có điều kiện phát triển, đầu tàu, động lực thì có những cơ chế chính sách đột phá mạnh hơn để tạo điều kiện cho phát triển để tạo sự lan toả cho những địa phương khác, cho cả vùng, thậm chí cho cả nước. Còn với những địa phương, địa bàn khó khăn sẽ có những cơ chế chính sách đặc thù giúp họ vươn lên, rút ngắn khoảng cách phát triển với địa phương khác"
Đồng thời, nhấn mạnh, dù thể chế nước ta là một khuôn khổ thống nhất cho toàn quốc nhưng vẫn thí điểm một số khuôn khổ chính sách mới vì mục tiêu chung cho sự phát triển của quốc gia.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại thảo luận tổ sáng 22/10/2021. Ảnh: TTXVN |
Góp ý vào cơ chế đặc thù cho các địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, cần phân biệt cơ chế chính sách đặc thù tạo động lực và cơ chế chính sách đặc thù khác nhau giữa các địa phương (được Thường vụ Quốc hội giải quyết qua chi thường xuyên và chi đầu tư nhằm tạo sự bình đẳng giữa các vùng miền).
"Chúng ta đặt mục tiêu phát triển kinh tế vùng thì phải có động lực phát triển và việc tạo cơ chế đặc thù cho các địa phương, trong đó có Hải Phòng, Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên Huế là bước để cụ thể hoá, nhằm tạo động lực phát triển", Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Phát biểu tại phiên họp tổ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, “Các cơ chế, chính sách của 4 địa phương trình Quốc hội đều được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng đảm bảo tương quan với các cơ chế, chính sách mà Quốc hội đã cho áp dụng tại 3 thành phố lớn: Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng”.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh, 4 địa phương nêu trên mong chờ nhất hai vấn đề lớn: phân cấp đặc quyền cho địa phương, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương để thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh. Tuy vậy, ông đồng tình quan điểm đã cho phép cơ chế như thế thì làm sao nghiên cứu kỹ, đầy đủ, phù hợp với điều kiện đặc thù riêng có từng địa phương.
“Đặc biệt trong tổ chức thực hiện thế nào phát huy được hết các cơ chế đã trao”, ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, vì nếu cho cơ chế rồi mà tăng trưởng vẫn thế, không có đóng góp gì thêm thì ý nghĩa giảm đi rất nhiều. Do đó sẽ bám sát với địa phương xem các chính sách có phát huy được hết không, đánh giá lại. Cơ chế là để làm sao các địa phương thực hiện chủ động, chứ không được lạm dụng. Cơ chế cho tốt nhưng kết quả lại không tốt thì cũng không được.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội). |
Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội), rất nên tổ chức thí điểm một số chính sách để có những bài học rút kinh nghiệm để có thể áp dụng chung cho cả nước, giúp phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, cần làm rõ hơn về tiêu chí để lựa chọn 4 tỉnh này thí điểm một số cơ chế, mục đích thí điểm hướng tới là gì? Nếu việc thí điểm hướng tới việc để rút kinh nghiệm, để có cơ chế quản lý phù hợp hơn, mang tầm nhìn xa hơn thì nên thêm các tỉnh thành ở vùng miền khác, để có cái nhìn tổng quát hơn, bao phủ hơn.
Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục rà soát, làm tốt khâu phân cấp thẩm quyền về quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, quản lý sử dụng các tài nguyên rừng, biển, cải tiến thủ tục hành chính trong mối quan hệ giữa trung ương và địa phương nhằm trao quyền chủ động hơn cho địa phương, giảm bớt thủ tục hành chính, thu hút đầu tư phát triển.
Về hiệu lực thi hành, đa số các đại biểu nhất trí việc Dự thảo Nghị quyết quy định thống nhất về hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022, tuy nhiên cần quy định nhiệm vụ cho các cơ quan thuộc Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, cơ quan liên quan và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trong việc tổ chức thực hiện, sơ kết, tổng kết và giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Tạo động lực cho sự phát triển
Các tỉnh Thừa Thiên Huế, Nghệ An được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp; thành phố Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp.
Đối với thành phố Hải Phòng, hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao; Đối với các tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh Nghệ An, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho các tỉnh không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu của hàng hóa xuất, nhập khẩu so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.
Còn với tỉnh Thanh Hóa, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao nhưng không vượt quá số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với thực hiện năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu.
Đối với định mức chi thường xuyên, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết này.
Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất cho phép thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế để bổ sung nguồn lực phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Quỹ được tiếp nhận từ nguồn ngân sách nhà nước của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hỗ trợ, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn thu hợp pháp khác; không sử dụng ngân sách của tỉnh Thừa Thiên Huế để hỗ trợ Quỹ. Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết còn quy định một số cơ chế đặc thù về thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn; quản lý đất đai và quản lý sử dụng rừng; quản lý quy hoạch; thu từ xử lý nhà, đất…