Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020

(PLVN) - Đầu phiên họp sáng 15/6, với 453/457 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (bằng 90,96% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020.
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết.
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước

Nghị quyết nêu rõ, về lập, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020, Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong điều kiện dịch COVID-19 bùng phát phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, giãn cách xã hội, thiên tai, bão lũ xảy ra nghiêm trọng ở nhiều địa phương, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng trưởng trên nhiều lĩnh vực chậm lại, giá dầu thô thấp hơn kế hoạch, thực hiện các chính sách miễn giảm, giãn thuế và nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, chính sách phòng chống dịch, an sinh xã hội, nhưng tổng thu ngân sách đạt 98,2% dự toán, thu nội địa vượt 0,2% dự toán, tỷ trọng thu nội địa đạt 85,6% tăng so với năm trước, nợ thuế giảm 0,63%.

Công tác phân bổ, sử dụng, kiểm soát chi ngân sách nhà nước có nhiều đổi mới và nâng cao hiệu quả; bảo đảm chi các lĩnh vực quan trọng, ưu tiên thực hiện các chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước về an sinh xã hội.

Tỷ trọng chi thường xuyên giảm; trả lãi vay đúng hạn; bội chi ngân sách được điều hành quản lý chặt chẽ thấp hơn dự toán Quốc hội giao. Tỷ lệ nợ công đã giảm; kỳ hạn nợ được kéo dài, chi phí huy động giảm đã góp phần cũng cố an toàn, an ninh tài chính quốc gia, giúp tạo dư địa để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó kịp thời với dịch bệnh.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc dự báo, đánh giá tình hình, công tác lập, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 còn nhiều tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm chưa được khắc phục.

Tỷ trọng thu ngân sách trung ương trong tổng thu ngân sách nhà nước có xu hướng giảm dần, hạn chế vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương; lập dự toán thu tiền sử dụng đất còn thấp; lập kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước chưa sát khả năng thực hiện, dẫn đến phải điều chỉnh nhiều lần, phải hủy kế hoạch vốn ngoài nước với số vốn lớn; một số bộ, ngành, địa phương phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư chậm, chưa phân bổ chi tiết ngay từ đầu năm, phân bổ chưa đúng quy định, chưa đúng thứ tự ưu tiên.

Còn một số trường hợp kê khai chưa chính xác các khoản thu tiền sử dụng đất, thu từ khai thác tài nguyên, khoáng sản, thu từ các doanh nghiệp có giao dịch liên kết; vẫn còn tình trạng sử dụng sai mục đích nguồn kinh phí, chi không đúng định mức, chế độ; có địa phương còn để phát sinh mới nợ xây dựng cơ bản; chi chuyển nguồn lớn.

Lập, thẩm định, trình quyết toán ngân sách nhà nước còn chậm, so với thời gian quy định, một số địa phương phê chuẩn quyết toán một số khoản chi chưa đúng nguồn; việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước tại một số cơ quan, đơn vị còn chậm; việc kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của một số cơ quan, đơn vị, địa phương theo các Nghị quyết của Quốc hội thực hiện chưa nghiêm.

Quốc hội đề nghị Chính phủ, các Bộ, cơ quan trung ương, HĐND, UBND các cấp và các đơn vị quản lý thu, chi ngân sách nhà nước xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với các tồn tại, hạn chế nêu trên; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, quyết toán ngân sách nhà nước để không lặp lại các tồn tại, hạn chế này trong các năm sau.

Theo Nghị quyết vừa được thông qua, Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 với tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 2.279.735.577 triệu đồng, bao gồm cả số thu chuyển nguồn từ năm 2019 chuyển sang năm 2020, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2019, thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 2.352.929.840 triệu đồng, bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2020 sang năm 2021.

Bội chi ngân sách nhà nước là 216.405.589 triệu đồng, bằng 3,44% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm kết dư ngân sách địa phương.

Nguồn bù đắp bội chi ngân sách trung ương gồm vay trong nước 178.515.161 triệu đồng; vay ngoài nước 34.573.432 triệu đồng. Tổng mức vay của ngân sách nhà nước để bù đắp bội chi và trả nợ gốc là 436.059.742 triệu đồng.

Làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách

Quốc hội giao Chính phủ công khai quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 theo đúng quy định của pháp luật.

Chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương, UBND các cấp và các đơn vị quản lý thu, chi ngân sách nhà nước kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế và các đề xuất, kiến nghị nêu trong Báo cáo tiếp thu, giải trình số 254/BC-UBTVQH15 ngày 14/6/022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Báo cáo thẩm tra số 599/BC-UBTCNS15 ngày 22/5/2022 của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội; kết luận, kiến nghị được nêu tại Báo cáo số 159/BC-KTNN ngày 22 tháng 5 năm 2022 của Kiểm toán nhà nước và ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020, báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện khi quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021;

Trường hợp phát hiện các khoản quyết toán thu, chi ngân sách nhà nước niên độ năm 2020 không đúng quy định, yêu cầu xuất toán, cắt giảm, huỷ bỏ, thu hồi ngay về ngân sách nhà nước để tăng thu, giảm bội chi, tăng chi trả nợ ngân sách nhà nước và xử lý theo quy định tại Điều 73 của Luật Ngân sách nhà nước, báo cáo Quốc hội khi quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Thực hiện các biện pháp quyết liệt, đồng bộ để tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, không để xảy ra thất thoát, lãng phí; nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi cơ chế phân cấp ngân sách phù hợp để đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, đồng thời tăng cường tính chủ động cho các địa phương.

Chấn chỉnh quản lý chi đầu tư từ khâu lập, phân bổ, giao dự toán đến tổ chức, triển khai thực hiện, quyết toán các dự án đầu tư; quản lý chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn; hủy bỏ các khoản dự phòng ngân sách trung ương năm 2019 bổ sung cho các địa phương đến 31/12/2021 còn dư và khoản chuyển nguồn sang năm 2021 đến hết thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 chưa thực hiện trừ các khoản chi được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển nguồn sang năm 2022 để thu hồi, giảm bội chi ngân sách nhà nước khi quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Rà soát, kiểm soát chặt chẽ việc huy động, quản lý các khoản vốn vay bù đắp bội chi, chi trả nợ gốc, trả nợ lãi, tạm ứng chi ngân sách nhà nước; tăng cường công tác quyết toán khối lượng hoàn thành và quyết toán các chương trình, dự án, kịp thời thu hồi các khoản tạm ứng không đúng quy định, không có khối lượng thực hiện; tiếp tục kiểm soát bội chi, nợ công để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, ổn định kinh tế vĩ mô; chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong quản lý các quỹ tài chính ngoài ngân sách, đảm bảo tính hiệu quả hoạt động của các quỹ, không trùng lặp nhiệm vụ của ngân sách nhà nước, tránh lãng phí, dàn trải và phân tán nguồn lực của nhà nước.

Khẩn trương thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước đối với quyết toán Ngân sách nhà nước niên độ năm 2020 và năm 2019 trở về trước, đặc biệt là việc rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai, ngân sách nhà nước, quản lý và sử dụng tài sản công, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần, chứng khoán, bất động sản và các pháp luật khác có liên quan; kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định về định mức, đơn giá, tiêu chuẩn; tháo gỡ các nút thắt về thể chế và quản lý để sớm đưa các nguồn lực vào phục vụ phát triển kinh tế xã hội;

Làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước niên độ ngân sách nhà nước năm 2020 và việc không thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước đối với niên độ ngân sách nhà nước từ năm 2019 trở về trước theo các Nghị quyết của Quốc hội. Báo cáo Quốc hội kết quả xử lý vi phạm và việc thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước các năm trước khi trình Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, cụ thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước…

Quốc hội giao Kiểm toán nhà nước tiếp tục đôn đốc các Bộ, cơ quan trung ương, UBND các cấp và các đơn vị quản lý thu, chi ngân sách nhà nước khẩn trương thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước trong niên độ ngân sách nhà nước năm 2020 và niên độ năm 2019 trở về trước.

Tổ chức kiểm toán khoản 1.150.195 triệu đồng dự phòng ngân sách trung ương năm 2019 chuyển nguồn sang năm 2021 để xử lý theo quy định của Luật NSNN trong trường hợp phát hiện các khoản không đúng quy định hoặc đã hết thời gian thực hiện và giải ngân theo quy định khi quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 theo quy định tại Điều 73 của Luật Ngân sách nhà nước.

Nâng cao chất lượng ý kiến về dự toán ngân sách nhà nước, các kết luận, kiến nghị kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm để làm cơ sở cho Quốc hội xem xét, quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm.

Thực hiện công khai kết quả kiểm toán của các cuộc kiểm toán và kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước theo quy định. Công khai danh sách các tổ chức, cá nhân không thực hiện kiến nghị của Kiểm toán nhà nước.

Đọc thêm