Gần 86% đại biểu đã ấn nút đồng ý với việc này, chứng tỏ là những đại biểu dân cử luôn lắng nghe ý kiến và tâm tư, nguyện vọng từ dân mà hành động vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Một điểm đáng chú ý nữa là Quốc hội đã thông qua chương trình xây dựng pháp luật năm 2019, trong đó có Luật Hành chính công. Đây là một sáng kiến lập pháp do một nữ đại biểu – bà Trần Thị Quốc Khánh đề xuất vào năm 2013 và giờ cánh cửa trở thành hiện thực đã mở ra với đạo luật này. Cuộc cải cách hành chính ở nước ta thực chất là cuộc tấn công nhằm thay đổi những trì trệ cố hữu nằm trong lĩnh vực này.
“Di sản tinh thần” của cả một thời kỳ bao cấp dài với cơ chế xin – cho đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến những “công bộc” của dân và phát sinh rất nhiều hệ lụy tạo ra những rào cản phát triển kinh tế cũng như làm nảy sinh những bất công xã hội, những phiền lụy cho nhân dân. Tuy nhận ra những bất cập và sai sót này nhưng khắc phục nó là điều rất khó khăn. Nó thể hiện rất rõ ràng ở chỗ các cán bộ (kể cả lãnh đạo ban, ngành) ngoài miệng thì lớn tiếng ủng hộ, “quán triệt sâu sắc” nhưng thực tâm không muốn thay đổi.
Vì thế, biên chế tiếp tục “phình” ra, dự án cũng “nở” theo, giấy phép mặc sức hoành hành, trong cơ quan thì hình thành mối quan hệ họ hàng, người thân, “cánh hẩu” rườm rà, hiệu quả công việc ngày càng đi xuống, xuất hiện một đội ngũ công chức “vác ô”. Nền hành chính phục vụ là mục tiêu khá xa vời với thực tế, ví dụ như thực hiện “một cửa” là rất tốt nhưng lại xuất hiện nhiều ổ khóa khác nhau trên cái cửa đó, buộc người dân hoặc doanh nghiệp phải đi tìm một cái cửa khác.
Đặc biệt, việc xử lý cán bộ vi phạm trong giải quyết công việc hành chính thường chậm trễ, qua loa, “giơ cao, đánh khẽ” và “không kỷ luật một ai cả” lại là một phương châm ứng xử được coi là tốt. Bao che, bênh vực, “nâng đỡ không trong sáng”, “chọn người nhà, bỏ người tài”, những chuyến “tàu vét” ở “hoàng hôn nhiệm kỳ” đã phần nào nói lên thực trạng của nền hành chính công của chúng ta.
Vậy nên, rất cần một đạo luật – cái gậy pháp lý điều chỉnh lĩnh vực này. Mong đợi của nhân dân là nền hành chính công sinh ra để phục vụ nhân dân chứ không phải gây phiền hà và “tham nhũng vặt”. Quốc hội hẳn đã thấu hiểu điều đó và trên cơ sở lòng dân mà ra những quyết sách thể hiện sự sáng suốt của mình.