Ý Đảng vào lòng Dân và chuyện đặc khu kinh tế

(PLO) - Tuần qua, từ trên nghị trường Quốc hội (dẫu chỉ vài tiếng nói lẻ tẻ) đến báo chí, nhất là thông qua mạng xã hội vấn đề dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (gọi tắt là Luật Đặc khu), đặc biệt là thời gian thuê đất 99 năm, đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. 
Ảnh Zing
Ảnh Zing

Không phải các cựu tướng lĩnh, trí thức và đông đảo Nhân dân quan tâm nhằm “chia rẽ”, “phá hoại” như ai đó đã vội vã kết luận mà thực sự đó là tiếng lòng của người dân trước sự “an nguy” của đất nước. 

Chủ động trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định chúng ta rất lắng nghe ý kiến của nhân dân, ĐBQH, giới trí thức và các lão thành cách mạng, cả giới Việt kiều trong việc xây dựng Luật Đặc khu. Thủ tướng hoan nghênh tinh thần, khí thế hết sức sôi nổi ấy và nhấn mạnh “tinh thần của một dân tộc yêu nước như vậy, chúng ta không lo mất nước”.

Thủ tướng tái khẳng định, phải tiếp thu, lắng nghe những điều cần thiết để điều chỉnh luật, đảm bảo đất nước phát triển, tạo môi trường đầu tư kinh doanh. Nhưng sự phát triển ấy phải là sự phát triển bền vững, đảm bảo độc lập chủ quyền, tự do của đất nước một cách lâu dài, đảm bảo quyền lợi quốc gia dân tộc một cách căn bản, xuyên suốt trong quá trình gìn giữ non sông đất nước Việt Nam của chúng ta.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định an ninh quốc gia, an ninh kinh tế luôn đi liền với nhau trong xây dựng đặc khu. Vì thế, mọi người không lo một nước hay quốc gia nào đó đầu tư độc quyền trong vấn đề này, tất nhiên “phải thiết kế cụ thể, tạo ra một khung pháp lý cần thiết”, ông nhấn mạnh.

Làm gì thì làm, thời hạn thuê đất là bao nhiêu, nhà đầu tư đến từ đâu, quyền lợi quốc gia, dân tộc là tối thượng. 

Những lúc này chúng ta nhớ Bác Hồ hơn bao giờ hết. Phải nói rằng, “DÂN” là hạt nhân trong di sản Hồ Chí Minh. Ngay sau khi giành được chính quyền cách mạng, Bác Hồ của chúng ta đã sớm nhắc nhở cán bộ lời dạy của Lê Nin, “giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn”. Người sớm cảnh báo “căn bệnh” xa Dân, khinh Dân, cán bộ, Đảng viên phải “nắm vững dân tình, dân ý, dân tâm; thực hành dân quyền, dân trí, dân chủ, dân vận; làm cho Dân tin, Dân phục, Dân yêu”. Chính Người đã khẳng định: Trong bầu trời này không có gì quý bằng Nhân dân!

Không phải tự nhiên, ngày 25/11/2015, QH thông qua Luật Trưng cầu ý dân (Luật số 96/2015/QH13), có hiệu lực từ  ngày 01/7/2016. Việc thông qua Luật này nhằm “Bảo đảm để nhân dân trực tiếp thể hiện ý chí của mình trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội”. Đây là bước tiến đáng ghi nhận của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong thời đại mới. Trên tinh thần đó, nhân dân hoan nghênh thái độ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi kịp thời cho biết sẽ điều chỉnh cho thuê đất đặc khu xuống dưới 99 năm, điều nhân dân đặc biệt quan tâm trong dự thảo Luật Đặc khu.

Ý Đảng và lòng Dân gặp nhau luôn là bài học thành công của cách mạng!