Quốc hội thống nhất sau năm 2022 không dùng sổ hộ khẩu

(PLVN) - Chiều 13/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để biểu quyết thông qua 4 Luật và 2 Nghị quyết.
Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua luật.
Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua luật.

Cụ thể là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Cư trú (sửa đổi); Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Thỏa thuận quốc tế; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021 và Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc.

Sổ hộ khẩu được dùng đến hết năm 2022

Quốc hội nhất trí quy định Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú đến hết 31/12/2022.

Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) với 449/455 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 93,15% tổng số đại biểu Quốc hội). Luật gồm 7 chương, 38 điều quy định về việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân Việt Nam trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam; việc đăng ký, quản lý cư trú; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân, cơ quan, tổ chức về đăng ký, quản lý cư trú.

Với 446 đại biểu Quốc hội tán thành, đạt tỷ lệ 92,53%, Quốc hội đã thông qua toàn văn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2022.

Trước khi thông qua toàn văn, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 2 nội dung về không bổ sung biện pháp cưỡng chế ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước và  quy định về đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm khi thảo luận là việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân từ cách thức thủ công, truyền thống bằng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú và các tàng thư văn bản sang quản lý bằng số hóa, có kết nối thông suốt giữa các cơ quan đăng ký, quản lý cư trú trên cả nước thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú và số định danh cá nhân.

Các ý kiến cho rằng, quy định nêu trên hoàn toàn phù hợp với xu thế tất yếu của việc hiện đại hóa phương thức quản lý nhà nước, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử hiện nay. Việc chuyển đổi này vừa bảo đảm thuận lợi cho công dân trong việc thực hiện tốt hơn quyền tự do cư trú, vừa nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội cũng đồng tình với việc cho phép tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đến hết ngày 31/12/2022 để chứng minh nơi cư trú. Do ý kiến còn khác nhau nên UBTVQH cũng đã gửi phiếu thăm dò ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.

Kết quả lấy phiếu cho thấy, đa số đại biểu Quốc hội đồng ý phương án cho phép người dân được tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31/12/2022 để chứng minh thông tin về nơi cư trú nhằm tránh làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, thêm phiền phức cho người dân, tạo áp lực lớn cho các cơ quan quản lý, đăng ký cư trú tại thời điểm Luật mới có hiệu lực thi hành.

UBTVQH cho rằng, quy định này không làm ảnh hưởng đến hiệu lực thi hành của Luật Cư trú và việc triển khai thực hiện các quy định của Luật ngay từ thời điểm ngày 1/7/2021. Khi các Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú hoàn thành việc xây dựng, vận hành thông suốt và các cơ quan, tổ chức, địa phương đã thực hiện tốt việc kết nối, liên thông để bảo đảm chỉ cần sử dụng số định danh cá nhân là có thể xác định được thông tin nhân thân, thông tin về nơi cư trú của công dân thì Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú sẽ tự chấm dứt vai trò ngay cả khi chưa đến thời hạn 31/12/2022.

Nội dung trên được thể hiện ở Điều 38 về Điều khoản thi hành và được 446/455 biểu quyết tán thành (chiếm 92,53% tổng số đại biểu Quốc hội). Tuy nhiên, Luật cũng quy định trường hợp thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế 

Cùng với Luật Điều ước quốc tế đã được ban hành và thực thi từ năm 2016, Luật Thỏa thuận quốc tế được xây dựng nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về công tác ký kết và thực hiện các văn bản hợp tác quốc tế, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.

Theo Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021 vừa được thông qua, Quốc hội quyết nghị tổng số thu ngân sách trung ương là 739.401 tỷ đồng. Tổng số thu ngân sách địa phương là 603.929 tỷ đồng.

Còn tổng số chi ngân sách trung ương là 1.058.271 tỷ đồng, trong đó dự toán 350.804 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương. 

Luật Thỏa thuận quốc tế sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2021, thay thế cho Pháp lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế năm 2007. Luật đã làm rõ khái niệm “thỏa thuận quốc tế” để phân biệt với điều ước quốc tế và các hợp đồng, giao dịch về dân sự, kinh tế, tài chính, đầu tư với nước ngoài.

Đặc biệt, Luật đã mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc ký kết thỏa thuận quốc tế của các chủ thể chưa được quy định trong Pháp lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế như tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; UBND cấp huyện; UBND cấp xã ở khu vực biên giới; cơ quan cấp tỉnh của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (gọi chung là cơ quan cấp tỉnh của tổ chức). 

Luật cũng đã quy định trình tự, thủ tục rút gọn để áp dụng trong trường hợp cần xử lý gấp do yêu cầu về chính trị, đối ngoại, cứu trợ khẩn cấp, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh…

Quy định rõ hình thức người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Với 450 đại biểu tham gia và tán thành (chiếm 93,36% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Luật gồm 8 chương, 76 điều quy định về hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; quyền và nghĩa vụ của người lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022.

Các hình thức người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quy định trong Luật là: Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ký với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ để thực hiện thỏa thuận quốc tế.

Hợp đồng hoặc thỏa thuận bằng văn bản về việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ký với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sau đây: Doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài; Doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài; Tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Hợp đồng lao động do người lao động trực tiếp giao kết với người sử dụng lao động ở nước ngoài.

Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc phải đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam; quyết định của Hội đồng Quốc phòng và An ninh; sự thống lĩnh của Chủ tịch nước và quản lý nhà nước của Chính phủ. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, pháp luật quốc tế, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Đồng thời, bảo đảm độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc, điều kiện và khả năng của Việt Nam; tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Đặc biệt, chỉ tham gia hoạt động hỗ trợ khắc phục hậu quả chiến tranh, duy trì hòa bình sau xung đột, vì mục đích nhân đạo trên cơ sở đề nghị của Liên hợp quốc và chỉ triển khai ở quốc gia, khu vực đã được Liên hợp quốc thành lập phái bộ và tại các cơ quan của Liên hợp quốc.

Đọc thêm