Tại sao Tổng tham mưu trưởng quân đội Nam Sudan bị cách chức?

(PLO) -Quyết định bổ nhiệm Tướng James Ajong, thay thế Tướng Paul Malong làm Tổng tham mưu trưởng quân đội, được dư luận Nam Sudan quan tâm bởi trong thông báo hôm 9-5, Bộ trưởng Quốc phòng Kuol Manyang Juuk cho biết, Tổng thống Salva Kiir Mayardit đã bổ nhiệm Tướng James Ajong làm Tổng tham mưu trưởng quân đội, nhưng không đề cập tới vị trí mới của Tướng Paul Malong. 
Tổng thống Salva Kiir (trái) thay Tổng tham mưu trưởng quân đội Tướng Paul Malong (phải).
Tổng thống Salva Kiir (trái) thay Tổng tham mưu trưởng quân đội Tướng Paul Malong (phải).

Mặc dù tuyên bố đây là điều bình thường của quân đội, nhưng ông Kuol Manyang Juuk cũng nhấn mạnh, việc thay đổi Tổng tham mưu trưởng quân đội sẽ không ảnh hưởng tới các hoạt động chống lại phiến quân. Tuy nhiên, giới truyền thông và chuyên môn không nghĩ như vậy. 

Bởi chỉ 2 năm sau khi tách khỏi Sudan, nội chiến đã xảy ra ở Nam Sudan, khiến nền kinh tế của quốc gia trẻ nhất thế giới (thành lập ngày 9-7-2011) sụp đổ - lạm phát tăng cao khiến giá trị đồng nội tệ giảm tới 90%.

Lạm phát đã lên tới 800% trong tháng 1-2017, cùng với đó là nạn tham nhũng không thể kiểm soát. Xung đột nhanh chóng lan rộng, gây chia rẽ giữa các sắc tộc sau khi Tổng thống Salva Kiir Mayardit bất đồng với Phó Tổng thống Riek Machar, thủ lĩnh phe đối lập. 

Nội chiến được khai hỏa sau khi Tổng thống Salva Kiir Mayardit sa thải Phó Tổng thống Riek Machar (tháng 12-2013). Khi đó, Tổng thống Salva Kiir Mayardit cáo buộc Phó Tổng thống Riek Machar âm mưu đảo chính. Và người ta những tưởng bất đồng giữa Tổng thống Salva Kiir Mayardit và Phó Tổng thống Riek Machar đã kết thúc sau khi cả hai cùng ký vào bản thỏa thuận hòa bình.

Theo thống kê của Liên hợp quốc, xung đột tại Nam Sudan đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người, khiến 2,2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn và khoảng 8 triệu người phải sống trong đói khát và bệnh tật. Khoảng 1 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng và cần được chăm sóc y tế.

Gần 1,5 năm trước (7-1-2016), Ủy ban Đánh giá và Giám sát thỏa thuận hòa bình Nam Sudan cho biết, chính phủ và lực lượng phiến quân nước này đã đạt được thỏa thuận về việc chia sẻ vị trí trong chính phủ đoàn kết dân tộc chuyển tiếp. 

Với sự trung gian của Liên hợp quốc và Mỹ, một thỏa thuận hòa bình đã được ký hồi tháng 8-2015 và chính phủ hòa hợp dân tộc chuyển tiếp được thành lập trong tháng 4-2016.

Tổng thống Salva Kiir
Tổng thống Salva Kiir

Hơn 1 năm trước (26-4-2016), Hội đồng Bảo an LHQ từng kêu gọi các phe phái ở Nam Sudan nhanh chóng thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc, sau khi ông Riek Machar trở về thủ đô Juba và nhậm chức Phó Tổng thống. Mặc dù 2 bên đã ký thỏa thuận ngừng bắn từ tháng 8-2015, nhưng mãi tới tháng 4-2016, ông Riek Machar mới trở về thủ đô để thành lập chính phủ đoàn kết.

Theo thỏa thuận ký ngày 3-11-2015 giữa Chính phủ Nam Sudan với các lực lượng nổi dậy, tổng cộng 4.830 binh sỹ được triển khai tại nội đô Juba, bao gồm 3.420 quân chính phủ và 1.410 quân nổi dậy. Lực lượng này bao gồm các đơn vị lính gác hỗn hợp, quân cảnh và các đơn vị an ninh quốc gia.

Ngoài ra, chính phủ và phe nổi dậy cũng nhất trí triển khai các đơn vị cảnh sát chung tại Juba, gồm 3.000 nhân viên chia đều cho 2 bên, cùng với 800 sỹ quan an ninh tại 3 thành phố Bentiu, Malakal và Bor.

Ông Riek Machar từng kêu gọi lực lượng trung thành ngừng bắn (có hiệu lực từ 0h ngày 12-7-2016) sau 4 ngày giao tranh ở thủ đô Juba với lực lượng ủng hộ Tổng thống Salva Kiir Mayardit. Ông Riek Machar đưa ra quyết định kể trên sau khi Tổng thống Salva Kiir Mayardit công bố lệnh ngừng bắn đơn phương, được ban hành sau khi lực lượng trung thành với ông tấn công vào một căn cứ đối lập, giết chết 35 tay súng của Phó Tổng thống. Nhưng thỏa thuận hòa bình lại đổ vỡ và bạo lực tái bùng phát từ hạ tuần tháng 7-2016 đến nay...

Khi có chuyến thăm Nam Sudan đầu năm 2016, cựu Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon từng thốt lên rằng, niềm hy vọng của người dân Nam Sudan đã bị phản bội bởi nạn tham nhũng và sự thiếu hụt những chính sách kinh tế đúng đắn.

Ngày 28-10-2015, Liên minh châu Phi (AU) cho biết, cả hai bên tham chiến ở Nam Sudan đều vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, trong đó có giết người, hiếp dâm, bạo lực tình dục, tra tấn, xúc phạm nhân phẩm, cũng như liên quan đến các đối tượng dân sự và tài sản cần được bảo vệ./.