Tấn công và phản công

(PLO) - Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức khai hoả cuộc xung khắc thương mại với những đối tác kinh tế và thương mại quan trọng nhất của nước Mỹ. 
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh từ internet)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh từ internet)

Từ ngày 1/6 vừa qua, phía Mỹ chính thức áp thuế quan bảo hộ mậu dịch đối với sản phẩm nhôm và thép của EU kèm theo lời doạ dẫm là tới đây còn đối với cả sản phẩm là ô tô. Trước đó, phía Mỹ đã ban hành những biện pháp còn mạnh hơn và phạm vi lớn hơn đối với sản phẩm của Trung Quốc. 

Ông Trump đưa ra những quyết sách này trong nhận thức rằng phía Mỹ sẽ bị các đối tác trả đũa và thậm chí còn cả phản công lại. EU và Trung Quốc đều đã tuyên bố cũng sẽ áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với hàng hoá của Mỹ xuất khẩu vào thị trường của họ. EU, Canada hay Nhật Bản đồng thời còn cho biết sẽ khởi kiện Mỹ tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). 

Điều đáng chú ý ở đây là phía Mỹ phát động cuộc tấn công thương mại với vũ khí là thuế quan bảo hộ này khi các đối tác kinh tế và thương mại của Mỹ nỗ lực thương thảo với Mỹ để đạt thoả thuận giúp tránh được xung khắc thương mại và càng không để xảy ra chiến tranh thương mại giữa Mỹ và họ. Phía Mỹ gần như không quan tâm để ý gì đến những đề nghị thoả hiệp của EU. Phía Mỹ cũng không chờ đợi đến khi ngã ngũ việc đàm phán lại với Canada và Mexico về Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (Nafta) thành công hay thất bại. 

Với Trung Quốc, cách làm của Mỹ càng lạ lùng hơn khi cách đó không lâu hai bên đã đạt được thoả thuận giúp hai bên đều có thể cho là chiến tranh thương mại không xảy ra. Như thế đủ để thấy ông Trump và cộng sự quyết chí thực thi các biện pháp chính sách bảo hộ thương mại bằng mọi giá và không có chủ ý đạt được thoả thuận với các đối tác. Có lẽ chính vì thế mà các đối tác kia phải cả phản công lại chứ không chỉ có ứng phó đơn thuần. Về các phương diện khác thì không nói chứ về kinh tế và thương mại thì tất cả các đối tác này sẽ chỉ thua nhiều hơn thắng.