Tuyên bố chủ quyền vô lý, Trung Quốc bị cô lập

(PLO) - Trung Quốc đã trở thành một cường quốc toàn cầu, với tầm ảnh hưởng đã vươn tới tất cả các lục địa. Tuy nhiên, nước này chưa bao giờ bị cô lập như hiện nay.
Tàu Trung Quốc được huy động để bảo vệ giàn khoan. Ảnh: Internet
Tàu Trung Quốc được huy động để bảo vệ giàn khoan. Ảnh: Internet
Đó là nhận định của tờ Washington Times trong bài viết “Nội bộ Trung Quốc: Bắc Kinh không có bạn bè”. Theo tác giả bài viết, Trung Quốc và các nước như Nhật Bản, Ấn Độ hay Philippines vẫn thường xuyên xảy ra các cuộc đụng độ do những bất đồng trong các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh với những nước láng giềng này.
Yêu sách chủ quyền khắp mọi nơi
Thêm vào đó, các cuộc đụng độ cũng có thể xảy ra bất cứ lúc nào với các nước có tranh cãi về chủ quyền với Trung Quốc như Malaysia, Hàn Quốc, Bhutan, Indonesia và Brunei. Đài Loan cũng không hài lòng với việc Trung Quốc tuyên bố vùng lãnh thổ này thuộc về đại lục. 
Ngay cả Triều Tiên cũng có những tranh cãi với Trung Quốc về vùng biên giới ở núi Baekdu. Trung Quốc có các thỏa thuận biên giới với Nga, Mông Cổ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Myanmar. Tuy nhiên, những lời kêu gọi đòi lại “những vùng lãnh thổ đã mất của người Trung Quốc” tại các nước này cũng đã dấy lên những tranh cãi trên nhiều phương tiện truyền thông trực tuyến ở các nước nói trên.
Để chấm dứt sự cô lập này, Trung Quốc đã áp dụng chiến lược đổ lỗi cho Nhật Bản và chủ nghĩa thực dân tại nước này từ trước năm 1945 là nguồn cơn dẫn đến những rắc rối trong khu vực. Tuy nhiên, chiến lược này của Trung Quốc dường như đã phản tác dụng. Chính Trung Quốc chứ không phải Nhật Bản mới là nước thường xuyên bị xem là nguồn gốc gây mất ổn định trong khu vực. 
Chiến lược của Trung Quốc đã tăng cường sự ủng hộ cho phe bảo thủ do Thủ tướng Shinzo Abe lãnh đạo, đồng thời khiến Washington chính thức lên tiếng cam kết sẽ bảo vệ quần đảo Senkaku hiện do Nhật Bản quản lý trong trường hợp Trung Quốc tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào quần đảo này. Cũng chính chiến lược này đã khiến 2 nền dân chủ lớn nhất châu Á là Nhật Bản và Ấn Độ xích lại gần nhau hơn nhằm đẩy lui những yêu sách chủ quyền độc đoán của Trung Quốc. 
Các nước trong khu vực sẽ liên minh với nhau
Trong một bài viết trên tờ South China Morning Post, cây viết chuyên bình luận về các vấn đề tài chính và chính trị châu Á Philip Bowring nhận định hành vi hiện nay của Trung Quốc với các nước láng giềng trên biển Đông là hành vi xâm lược, ngạo mạn và hợm hĩnh. Hành vi này không thể hiện niềm tự hào quốc gia mà đã khiến cho lòng yêu nước của người dân Trung Quốc trở thành một điều xấu. Theo ông Bowring, Trung Quốc đang triển khai một âm mưu xấu xa nhằm mục đích củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý “đường lưỡi bò” của nước này.
Nhà báo Bowring cho rằng, tất cả các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong cái gọi là “đường 9 đoạn” này đã mở rộng tới hơn 1.000 hải lý từ bờ biển các tỉnh Quảng Đông và Hải Nam tới gần quần đảo Borneo và bao gồm phần lớn vùng biển giữa Việt Nam và Philippines. Tuyên bố chủ quyền này chiếm hơn 90% vùng biển Đông dù Trung Quốc chỉ có khoảng 20% đường bờ biển khu vực này. 
Theo ông Bowring, Trung Quốc đã phớt lờ các chứng cứ lịch sử và tăng cường những hành động hung hăng trên biển Đông thời gian gần đây, với mục đích chính là để đặt sự đã rồi cho các tuyên bố chủ quyền của mình. Ngoài ra, nước này cũng không chấp nhận yêu cầu của các nước khác đưa các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ra phân xử tại tòa quốc tế, cho thấy nước này thực sự nhận thức được sự yếu thế của mình trong các tuyên bố nói trên.
Các nhà phân tích đều chung ý kiến cho rằng, nếu Trung Quốc càng đẩy mạnh những hành động ngang ngược nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này, thì các nước trong khu vực sẽ hợp sức cùng nhau tạo thành một liên minh để chống lại mưu đồ bá quyền của Trung Quốc.