Bảy lần giao dịch “rửa” 200 triệu USD
Hôm 9/11 vừa qua, Tòa án chống tham nhũng của Philippines đã ra lệnh bắt giữ bà Imelda Marcos. Lệnh bắt giữ được ban bố sau khi tòa đã tuyên các mức án từ 6 đến 11 năm tù giam đối với mỗi một trong 7 tội danh liên quan đến hành vi tham nhũng mà bà Imelda bị tuyên phạm phải. Tổng hợp 7 tội danh, bà đối mặt mức án cao nhất lên tới 42 năm tù giam.
Theo cáo trạng, cựu Đệ nhất phu nhân đã thực hiện 7 giao dịch, chuyển tổng cộng 200 triệu USD tới các quỹ bình phong ở Thụy Sỹ. Việc chuyển tiền diễn ra trong thời gian bà Imelda giữ chức Thị trưởng Manila (từ năm 1975 đến năm 1986) nhằm che đậy tài sản bất minh.
Công tố viên đặc biệt Ryan Quilala cáo buộc bà Imelda Marcos và chồng là nhà độc tài quá cố Ferdinand Marcos - cựu Tổng thống Philippines - đã dùng tên khác để mở nhiều tài khoản ở Thụy Sĩ và chuyển tiền vào đó.
Tại phiên tòa, bà Imelda và các đại diện đều không xuất hiện nhưng đã “bắn tiếng” cho biết sẽ kháng cáo. Theo quy định, bà Imelda có 15 ngày để đệ đơn kháng cáo. Sau đó, tòa án có 30 ngày để ra quyết định cuối cùng.
Bà cũng có thể đệ đơn thẳng tới Tòa án Tối cao Philippines. Trong thời gian này, lệnh bắt giữ sẽ không có hiệu lực lập tức. Khi chưa có phán quyết cuối cùng, cựu Đệ nhất phu nhân Philippines bị cấm đảm nhiệm chức vụ trong chính quyền, nhưng vẫn có thể tiếp tục đảm nhiệm vai trò hạ nghị sỹ.
Bà Imelda là vợ góa của ông Ferdinand Marcos - Tổng thống khét tiếng của Philippines, nắm quyền trong thời gian từ năm 1965 đến 1986. Năm 1972, ông Ferdinand đã ban bố thiết quân luật nhằm độc tài cầm quyền và mặc sức cùng người thân, đồng minh vơ vét của cải bất chính. Tổng cộng, vị tổng thống này và những người liên quan bị cáo buộc đã bòn rút khoảng 10 tỉ USD tiền công.
Căm phẫn trước những hành vi của tổng thống, năm 1986, người dân Philippines với sự hậu thuẫn của quân đội đã nổi dậy, lật đổ chính quyền Ferdinand. Tuy nhiên, cả gia đình tổng thống đã nhanh chân trốn thoát sang Mỹ trước khi người dân ập vào dinh thự của họ.
Sau khi ông Ferdinand qua đời ở Hawaii vào năm 1989, vợ con ông ta trở về nước với lời kêu gọi người dân “gác lại quá khứ và dung thứ” đã tiếp tục tham gia hoạt động chính trị và có được những thành công đáng kể.
Trong đó, bà Imelda đã 3 lần được bầu vào quốc hội và 2 lần tranh cử tổng thống nhưng không thành. Hiện tại, bà Imelda đã đăng ký tranh cử chức thống đốc tỉnh Ilocos Norte – nơi được coi là “thành trì” của gia tộc Marcos – hòng kế nhiệm con gái cả Imee. Con trai của bà ta là Ferdinand cũng đang nuôi mộng tranh cử tổng thống Philippines vào năm 2022.
Quý bà xa hoa nhất lịch sử Philippines
Không kém cạnh người chồng độc tài của mình, bà Imelda cũng khá nổi tiếng. Có điều, trong khi ông Ferdinand chăm chăm nghĩ cách vơ vét tài sản thì cựu Đệ nhất phu nhân lại nổi tiếng về biệt tài tiêu được cả núi tiền do chồng mang về. Sự xa hoa, lãng phí của bà Imelda cho tới giờ vẫn là chủ đề được nhiều người lưu truyền, trong đó nhiều khi cũng không biết có đúng hay không.
Ví dụ, người ta nói rằng bà Imelda chỉ dùng loại giấy vệ sinh đặc biệt bằng lụa mỏng, được dệt bằng tay. Hay như việc mỗi lần đi mua sắm bà đều tiêu đến cả triệu USD, bao gồm cả lần “đốt” tới 5 triệu USD chỉ sau 2 ngày đi shopping ở New York, Mỹ.
“Tôi chán ngán khi nghe họ nhắc khéo kiểu như món này 1 triệu, món kia vài trăm ngàn USD. Họ cứ nghĩ 1 triệu là lớn lắm mà không biết rằng với tôi đó chỉ là chuyện vặt!”, Đệ nhất phu nhân một thời lừng lẫy của Philippines từng tuyên bố.
Cựu Đệ nhất phu nhân và chồng khi còn trẻ |
Nói đến bà Imelda, không thể không nhắc tới sở thích sưu tập giày khiến bà có biệt danh “Quý bà giày hiệu”. Trong khi người dân Philippines lúc bấy giờ nhiều người còn phải đi chân đất thì riêng mình bà đã có cả một kho chứa giày với hơn 3.000 đôi toàn giày của những thương hiệu nổi tiếng thế giới. Cùng với đó, bà Imelda cũng rất mê đồ trang sức, sẵn sàng vung hàng triệu USD để mua những món hàng thu hút ánh nhìn của bà.
Theo các ghi chép, người dân Philippines khi xông vào Dinh Tổng thống trong cuộc nổi dậy năm 1986 đã thu được đến 1.220 đôi giày, được xác định chỉ là 1/3 số giày trong bộ sưu tập của bà Imelda và 888 túi xách cùng 2 bộ sưu tập trang sức có giá 310 triệu USD cùng vô số món hàng giá trị lớn mà Đệ nhất phu nhân bỏ bớt lại vì không thể mang được theo khi bỏ trốn.
Đỉnh điểm của sự xa hoa, lãng phí mà bà Imelda thể hiện là chi tiền tổ chức đám cưới thế kỷ cho con gái. Theo đó, để phục vụ riêng lễ cưới, bà đã cho xây riêng một khách sạn, làm đường băng cho máy bay tư nhân đậu, huy động lực lượng duy trì trật tự trên quãng đường dài mà xe dâu sẽ đi qua, chi tiền đặt xe ngựa rước dâu từ Áo… Tổng số tiền mà Đệ nhất phu nhân của Philippines chi cho đám cưới lúc bấy giờ lên đến 10 triệu USD.
Kể từ sau cuộc trốn chạy của họ vào năm 2016, chỉ riêng bà Imelda đã có hơn 100 đơn kiện chống lại, phần lớn cáo buộc bà ta đã lợi dụng chức vụ của chồng để làm giàu trái phép. Tuy nhiên, bà ta luôn phủ nhận các cáo buộc chống lại mình và đến nay vẫn an toàn.
Năm 1993, bà ta từng bị kết tội tham nhũng và bị tuyên mức án 15 năm tù giam nhưng sau đó được Tòa án Tối cao tuyên trắng án. Thậm chí, sau sự kiện này, bà ta còn chuyển sang hoạt động chính trị và thu được những thành công nhất định.
Chính quyền Philippines trong khi đó cũng đã lấy lại được một phần tài sản từ vợ chồng Marcos. Ví dụ, năm 2004, nước này từng thành công trong việc yêu cầu 5 ngân hàng tại Thụy Sĩ hoàn trả 684 triệu USD tiền bất chính trong các tài khoản được xác định là của vợ chồng nhà này. Manila cũng thu được nhiều khoản tiền lớn từ việc bán cổ phần từ hàng chục công ty của gia đình Marcos, đấu giá những tài sản bất minh của bà Imelda…
Trở lại với diễn biến mới nhất liên quan đến vụ án chống lại bà Imelda, sau khi tòa án ra lệnh bắt, ông Manuel Lazaro - luật sư của bà ta – đã công bố hồ sơ bệnh án có xác nhận của bác sỹ, theo đó cho biết cựu Đệ nhất phu nhân đang mắc ít nhất 7 loại bệnh, trong đó có bệnh tiểu đường tuýp 2, cao huyết áp, xơ vữa động mạch, nhiễm trùng đường tiết niệu mãn tính, viêm dạ dày tái phát mãn tính… cần phải chăm sóc sức khỏe đặc biệt từ nhiều năm nay.
Dựa trên khuyến nghị của bác sỹ cho rằng người bệnh cần tránh để lâm vào tình trạng căng thẳng, có nguy cơ khiến bà ta bị đau tim hoặc lên cơn co giật, luật sư đề nghị tòa không buộc bà ta phải thi hành án. Có điều, vào ngày tòa xử, bà Imelda vẫn được nhìn thấy đang… vui vẻ dự tiệc sinh nhật của con gái Imee Marcos.
Một nhân viên hải quan Mỹ trực tiếp làm thủ tục cho vợ chồng đệ nhất của Philippines nhập cảnh vào Mỹ năm 1986 đến giờ vẫn chưa hết choáng ngợp trước “núi” đồ mà họ mang theo.
“Họ theo một lượng hành lý khổng lồ, bao gồm 23 chiếc rương gỗ chứa đầy những đồ quý hiếm, 12 chiếc vali, nhiều túi xách lớn cùng hàng trăm thùng đựng quần áo, hàng trăm món đồ trang sức quý hiếm. Tôi cảm giác những đồ mà họ mang theo phải có giá trị bằng cả ngân khố của một quốc gia”, người này kể lại.
Theo ông, hải quan Mỹ đã phải sử dụng tới 23 tờ giấy để ghi lại hết những món đồ mà ông Ferdinand và bà Imelda mang từ Philippines bằng trực thăng sang Mỹ. Đó là còn chưa kể khoản tiền mặt 27 triệu peso, tương đương khoảng 15 triệu USD theo thời giá lúc bấy giờ.