Quy chế công tác HSSV: Không chỉ có sai sót “dung túng” cho hoạt động mại dâm

(PLO) - Từ dư luận xã hội đến nghị trường Quốc hội đã xôn xao, bức xúc trước dự thảo Thông tư về Quy chế công tác học sinh, sinh viên quy định nữ sinh bán dâm đến lần thứ 4 thì bị đuổi học.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Giải trình của Bộ GD&ĐT cho thấy đây không chỉ là dự thảo mà còn là quy định đã có hiệu lực hơn 10 năm qua. Tuy nhiên nghiêm trọng hơn, không chỉ việc cho bán dâm mà Thông tư này còn có nhiều sai sót về kỹ thuật lập pháp và có nhiều quy định vi hiến, vi phạm các luật khác. 

Thực tế, quy định sinh viên bán dâm đến lần thứ tư bị đuổi học không phải mới. Thông tư số 10/2016/TT-BGDĐT về công tác học sinh, sinh viên năm 2016 cũng quy định tương tự. Tuy nhiên, nhiều sinh viên cho hay mình không biết hoặc đọc qua nhưng không để ý quy định này.

Kỹ thuật lập pháp chưa khoa học, thuật ngữ không phù hợp

Theo Bộ GD&ĐT, thực hiện kế hoạch rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ đã xây dựng kế hoạch soạn thảo Thông tư ban hành Quy chế Công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp hệ chính quy thay thế Quy chế Công tác học sinh, sinh viên theo Quyết định số 42/2007/QĐ-BGDĐT.

Thông tư này quy định học sinh, sinh viên có hoạt động mại dâm lần thứ nhất sẽ bị đình chỉ 1 năm học, hoạt động lần thứ 2 thì bị đuổi học. Đến năm 2016, tại Thông tư số 10/2016 do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận ký, trong đó hành vi "hoạt động mai dâm" được tăng lên đến lần thứ 4 thì sinh viên bị đuổi học. Điều này cho thấy quy định “cho phép” nữ sinh bán dâm đã có hơn 10 năm qua nhưng chưa bị phát hiện.

Không dừng lại ở đó, LS Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, Dự thảo Thông tư về Quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên có nhiều nội dung mâu thuẫn, chồng chéo với các văn bản pháp luật khác như: Đánh bạc trái phép, tàng trữ, lưu hành, truy cập, sử dụng sản phẩm văn hóa đồi trụy hoặc tham gia các hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động tôn giáo trái phép; Buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, lôi kéo người khác sử dụng ma túy; Chứa chấp, môi giới mại dâm, hoạt động mại dâm....

Tất cả những hành vi mô tả nêu trên là các hành vi vi phạm pháp luật hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Sự chồng chéo này có thể gây ra hiểu lầm là sinh viên, học sinh vi phạm chỉ bị kỷ luật nội bộ của trường, nhưng ngược lại là cùng một hành vi nhưng sinh viên có thể bị xử lý hai lần theo kỷ luật nội bộ nhà trường và bị xử phạt hành chính hoặc hình sự.

LS Cường đề nghị không nên sử dụng phương pháp mô tả, liệt kê mà nên tổng hợp, đánh giá theo mức độ xử lí (hành chính hoặc hình sự). Ví dụ, sinh viên vi phạm pháp luật về các tệ nạn xã hội đến mức bị xử phạt vi phạm hành chính thì mức kỷ luật là…; Nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh liên quan tới tệ nạn xã hội thì mức hình thức kỷ luật là… Kết cấu, kỹ thuật lập pháp như vậy sẽ khoa học, logic và phù hợp với các quy định pháp luật khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Khi ban hành quy chế thì chỉ liệt kê một vài lĩnh vực và căn cứ vào mức độ chưa tới mức bị xử lí vi phạm hành chính, tới mức phải bị xử lí hành chính hoặc bị xử lí hình sự làm căn cứ áp dụng các hình thức kỉ luật kèm theo các chế tài của pháp luật mà văn bản pháp luật khác đã ban hành.

Cũng theo LS Cường, dự thảo này sử dụng nhiều thuật ngữ pháp luật không đúng, không phù hợp như: “Lấy cắp tài sản”, “Chứa chấp, tiêu thụ tài sản do lấy cắp mà có” ngôn ngữ pháp luật là “trộm cắp tài sản”, “Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Hay như cụm từ “Đưa phần tử xấu vào trong trường” là cụm từ gây tranh cãi: Thế nào là phần tử xấu? Hành vi “đưa vào” là thế nào?. “Viết truyền đơn” sẽ bị kỷ luật, nhưng nếu như “đánh máy”, “pho to” truyền đơn thì có bị xử lý hay không?

Bất cập, chồng chéo

Giảng viên Thái Thị Tuyết Dung (Trưởng Bộ môn Luật Hành chính, ĐH Luật TP HCM) lại phân tích nhiều sai sót khác trong Thông tư trên. Bà Dung cho rằng: “Về nội dung dự thảo, cần rà soát lại kỹ. Đặt trong mối quan hệ với các văn bản pháp luật khác, tôn trọng các quyền cơ bản của con người, cụ thể:

Khi kỷ luật sinh viên bán dâm hay vi phạm quy định về an toàn giao thông thì nhà trường phải biết sinh viên thực hiện hành vi đó thông qua việc bị xử phạt vi phạm hành chính. Mà pháp luật quy định trong trường hợp này không được công khai danh tính đến nhà trường, vậy nhà trường sẽ kỷ luật như thế nào? 

ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) chất vấn Bộ trưởng Giáo dục về Quy định sinh viên bán dâm lần 4 bị đuổi học
ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) chất vấn Bộ trưởng Giáo dục về Quy định sinh viên bán dâm lần 4 bị đuổi học

Mặt khác, kỷ luật sinh viên tham gia biểu tình trái pháp luật thì quy định tại Thông tư trên cũng không xử lý được. Lý do là hiện nay quyền biểu tình được quy định trong Hiến pháp. Còn thế nào là biểu tình trái pháp luật vẫn chưa có, vậy cơ sở pháp lý nào để xác định mà xử lý kỷ luật.

Bà Dung phân tích tiếp, quy định kỷ luật sinh viên khiếu kiện trái quy định của pháp luật trong Thông tư cũng bất hợp lý: Đây là một trong những quy định áp đặt, bởi khi thực hiện khiếu kiện tức là gửi đơn đến tòa án. Và nếu cơ quan có thẩm quyền cho rằng trái quy định thì từ chối thụ lý, trả đơn chứ sao kỷ luật sinh viên được.

Hay như quy định kỷ luật sinh viên có hành vi đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực trên mạng internet. Theo bà Dung, cũng khó thực hiện vì định tính. Để đánh giá những nội dung có dung tục hay bạo lực còn tùy thuộc vào quan điểm, góc nhìn của người tiếp nhận; mặt khác nhà trường không có đủ thời gian và khả năng làm những việc này.

Trưởng Bộ môn Luật Hành chính (ĐH Luật TP HCM) tiếp tục nêu ra những quy định bất hợp lý trong dự thảo Thông tư về quy chế công tác học sinh, sinh viên. Đó là kỷ luật sinh viên tập trung đông người trái pháp luật: Tập trung đông người ở nơi công cộng đã được quy định tại Nghị định 38 và Thông tư 09 mà Bộ Công an ban hành, là những trường hợp tập trung từ 5 người trở lên tại các khu vực, địa điểm phục vụ chung cho mọi người như vỉa hè, lòng đường, quảng trường, cơ sở kinh tế, văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng hoặc tại những nơi công cộng khác nhằm mục đích đưa ra yêu cầu hoặc kiến nghị về những vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, gia đình, tổ chức…

Việc tập trung đông người phải đăng ký UBND cấp huyện hoặc tỉnh, và trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản đăng ký, Chủ tịch UBND cấp có thẩm quyền cho phép hay không.

Do đó bà Dung cho rằng, nếu quy định trên mà áp dụng sẽ làm khó cho sinh viên. Nhất là trong bối cảnh các trường ĐH tự chủ thường đưa ra mức học phí cao, hay đặt ra các quy định gây khó khăn cho sinh viên. Vì thế, thời gian gần đây nhiều sinh viên tập trung phản ứng những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi của họ như học phí, phản ứng về cách tính điểm, phản đối nội quy đồng phục, hay màu tóc…

Nếu đối chiếu theo quy định kỷ luật sinh viên tập trung đông người trái pháp luật thì sinh viên vi phạm và sẽ bị kỷ luật. Điều này dẫn đến việc sinh viên lo sợ bị kỷ luật mà mất khả năng phản kháng những điều thuộc về quyền của mình trong phạm vi nhà trường. Do vậy theo bà Dung, đã đến lúc chúng ta cần rà soát lại các quy định có liên quan để bảo đảm sự đồng bộ và thống nhất chứ không chỉ có mỗi ngành giáo dục.

Giảng viên Tuyết Dung nhận định, Bộ GD&ĐT sẽ không đủ sức liệt kê những hành vi vi phạm cụ thể như dự thảo. Tốt nhất nên để cho các trường tự quy định nội quy trong khuôn viên trường mình và mức xử lý kỷ luật, miễn sao không trái pháp luật, không xâm phạm các quyền cơ bản của công dân đã được pháp luật quy định.

Để làm được điều này, cần có những chuyên gia pháp lý hỗ trợ các trường nhằm tránh đưa ra các quy định không đúng. Và nhà trường phải là nơi chấp nhận sự khác biệt, hun đúc và giáo dục học sinh, sinh viên; đừng để nhà trường thành nơi kiểm soát mọi hành vi, là nơi lo sợ của người học.

Lý giải về sai sót nêu trên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng đây là sự yếu kém của cấp dưới. Nhưng dư luận và cả đại biểu Quốc hội cũng chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Nhạ về trách nhiệm người đứng đầu, người phân công giao việc cho cán bộ yếu kém soạn thảo Quy chế công tác học sinh, sinh viên.

Tuy nhiên, căn cứ vào các nơi nhận văn bản nói trên, có ý kiến đã liệt kê ra hàng chục bộ, ngành khác có trách nhiệm nhận và đọc các quy định này nhưng 10 năm qua chưa hề có cơ quan nào phát hiên các sai sót đã nêu.

Đọc thêm