Quy định các ĐKKD: Kiên quyết từ chối các VBPL còn chung chung, bất cập

(PLO) - Nội dung trên được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Công văn 522/TTg-TH và yêu cầu các bộ đã kiểm tra trong tháng 3/2018 triển khai ngay nhiệm vụ Chính phủ giao.
Ảnh minh họa nguồn Internet

Hạn chế vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực tư pháp

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp kiểm soát chặt chẽ việc quy định các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) của các bộ thông qua hoạt động thẩm định; có ý kiến rõ ràng và kiên quyết từ chối các văn bản quy phạm pháp luật quy định về ĐKKD còn chung chung, chồng chéo, bất cập, không cụ thể, không lượng hóa, gây cản trở, khó khăn gia nhập thị trường của doanh nghiệp; tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ và có giải pháp cụ thể để giải quyết dứt điểm các vụ việc thi hành án dân sự phức tạp, kéo dài theo đúng quy định tại Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt nhiệm vụ là cơ quan đại diện pháp lý cho Chính phủ trong các vụ kiện đầu tư quốc tế, tranh chấp quốc tế; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có giải pháp xử lý dứt điểm các vụ kiện ra các cơ quan tài phán quốc tế, nhất là những vụ việc phức tạp; tham mưu, đề xuất với Chính phủ các giải pháp phòng ngừa khiếu kiện, tranh chấp đầu tư quốc tế; nâng cao vai trò và năng lực của cán bộ tư pháp trung ương, địa phương trong xử lý các vấn đề pháp lý liên quan đến đầu tư nước ngoài.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tư pháp thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm và đề xuất các giải pháp phòng ngừa, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực tư pháp, nhất là lĩnh vực luật sư, công chứng, đấu giá tài sản, thi hành án dân sự, lý lịch tư pháp; tăng cường công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đặc biệt là vụ việc phức tạp, kéo dài để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.

Cắt giảm biên chế giáo viên phải có giải pháp phù hợp 

Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương rà soát đề án tuyển sinh của các cơ sở đào tạo để kịp thời phát hiện tổ hợp tuyển sinh không phù hợp với ngành đào tạo; thanh tra, kiểm tra và giám sát chặt chẽ quá trình tuyển sinh và đào tạo của các trường; xử lý nghiêm theo quy định và cho dừng tuyển sinh đối với cơ sở đào tạo cố tình đưa ra nhiều tổ hợp xét tuyển không khoa học, không phù hợp, chỉ nhằm mục đích tăng số lượng học sinh, ảnh hưởng đến chất lượng, yêu cầu đào tạo.

Bộ cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ giáo viên của các địa phương; kiến nghị với các cấp có thẩm quyền và cơ quan chức năng xử lý nghiêm các địa phương tuyển dụng, sử dụng giáo viên không đúng quy định hiện hành của pháp luật; phối hợp với Bộ Nội vụ và các địa phương tính toán, có lộ trình cụ thể và giải pháp phù hợp trong việc cắt giảm biên chế giáo viên, tránh khủng hoảng thừa hoặc thiếu, tránh tiêu cực trong tuyển dụng, sử dụng giáo viên.

Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm đạo đức, phẩm chất nhà giáo, ảnh hưởng đến hình ảnh đội ngũ nhà giáo đối với xã hội; khẩn trương hoàn thiện các quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp học với các tiêu chuẩn/tiêu chí cụ thể, trong đó có tiêu chí về đạo đức nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT có phản ứng và lên tiếng kịp thời để bảo vệ danh dự, uy tín, quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nhà giáo theo quy định pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan xử lý nghiêm đối với các trường hợp xúc phạm danh dự nhà giáo, hành hung giáo viên để răn đe, phòng ngừa...

Khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định mới về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư, bảo đảm công khai, minh bạch, không có tiêu cực để tạo động lực cho các nhà khoa học cống hiến, có nhiều công trình nghiên cứu hữu ích cho xã hội. 

Văn phòng Chính phủ cũng vừa có Công văn số 3689/VPCP-QHĐP về việc thực hiện kết luận về chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  tại phiên họp thứ 22.

Theo đó, về công tác xây dựng pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đối với việc lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và điều chỉnh Chương trình năm 2018, các quy định về xây dựng nội dung, đánh giá tác động, lấy ý kiến về chính sách; phối hợp với Bộ Tư pháp trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật năm 2015. 

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và UBND các cấp đẩy mạnh hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức sinh động, phong phú và thiết thực; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần nâng cao ý thức tôn trọng, tuân thủ, chấp hành pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện gắn với triển khai bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Đọc thêm