Quy định chặt chẽ, cụ thể về căn cứ, phương pháp xác định giá hàng hóa

(PLVN) - Đây là ý kiến được các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh tại phiên họp Quốc hội chiều nay, 11/11, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giá (sửa đổi).
Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu tại phiên họp.
Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa) nêu tình trạng đứt gãy nguồn cung, khan hiếm xăng dầu xảy ra trên diện rộng từ đầu tháng 10 vừa qua và đặt câu hỏi về vai trò của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

“Liệu có nên duy trì Quỹ này nữa hay không? Nên chăng đã đến lúc phải xây dựng cơ chế bình ổn giá bằng các công cụ điều tiết giá khác hiệu quả hơn để giá cả hàng hóa vận hành theo quy luật thị trường?”, đại biểu đặt câu hỏi và cho rằng vấn đề này cần được liên bộ Tài chính, Công thương cân nhắc một cách thận trọng hơn.

Về chính sách thẩm định giá, theo đại biểu, thời gian gần đây, sau hàng loạt các sai phạm có liên quan đến hoạt động thẩm định giá, dẫn đến thị trường thẩm định giá phát triển nóng về số lượng nhưng chưa đảm bảo chất lượng.

“Có không ít doanh nghiệp thẩm định giá cũng như thẩm định viên về giá thiếu kinh nghiệm hoặc vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vì lợi ích trước mắt mà gian dối, câu kết với khách hàng, làm sai lệch hồ sơ để thổi giá cao hoặc hạ thấp giá trị một cách bất thường. Vì vậy, tôi ủng hộ việc siết chặt các điều kiện hành nghề thẩm định giá theo dự thảo Luật”, đại biểu nói.

Cũng góp ý về vấn đề định giá, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn TP Đà Nẵng) bày tỏ băn khoăn về việc dự thảo Luật giảm bớt thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc định giá, rà soát biểu mẫu kê khai giá đối với doanh nghiệp ở Trung ương.

Theo đại biểu, UBND cấp tỉnh có cơ quan tài chính tham mưu định giá. Tuy nhiên, giao trách nhiệm định giá cho các bộ, cơ quan ngang bộ thì khó có thể yên tâm vì không phải bộ, cơ quan ngang bộ nào cũng có bộ phận chuyên môn về định giá và có đủ nhân lực làm việc này.

“Phân cấp, phân quyền phải luôn đi đôi với việc nâng cao năng lực để thực hiện, chứ nếu “xuống nước trước, tập bơi sau” là việc làm nguy hiểm. Mặt khác, để các bộ và cơ quan ngang bộ định giá hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc thì sợ có rơi vào lợi ích nhóm như trường hợp bộ kit test Việt Á hay không? Bởi nguyên nhân tham nhũng nhiều khi nằm ngay trong những quy định bất hợp lý của pháp luật”, đại biểu phân tích.

Cho rằng những thách thức qua phân cấp, phân quyền đặt ra trong dự thảo Luật này là rất lớn, đại biểu đề nghị QH cân nhắc thận trọng về vấn đề phân cấp, phân quyền trong dự thảo Luật. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc định giá, rà soát biểu mẫu kê khai giá của các doanh nghiệp ở Trung ương.

Đối với sách giáo khoa, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy chỉ ra rằng, dự thảo Luật chỉ quy định giá tối đa, không quy định giá tối thiểu, dẫn đến nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh.

Để không ảnh hưởng nhiều đến việc thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa mà Nghị quyết 88 của Quốc hội và Luật Giáo dục đã quy định, đồng thời chống độc quyền trong lĩnh vực này, đại biểu đề nghị quy định khung giá, bao gồm giá tối đa, giá tối thiểu.

“Quy định này nhất quán với quy định tại khoản 2, Điều 8 dự thảo Luật về quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, quyết định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh mà nhà nước quy định khung giá tối đa, giá tối thiểu”, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) đề cập đến việc trong thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực bị phát hiện đều liên quan đến việc xác định giá không đúng với giá hàng hóa khi mua hoặc khi bán tài sản công.

“Hiện nay, các tổ chức tư vấn định giá rất ngại, thậm chí là không dám nhận nhiệm vụ định giá các tài sản cho khu vực công khi mua hoặc khi bán bởi họ e ngại việc định giá có thể rất vô tư nhưng sau một thời gian kiểm tra, giám sát trở lại thì giá thị trường thay đổi rồi thì họ lại mắc vào vòng lao lý”, đại biểu cho hay.

Mặt khác, theo đại biểu, nhiều cơ quan, nhiều đơn vị công hiện nay không mua sắm được các tài sản, vật tư hàng hóa.

Đại biểu dẫn chứng tình trạng bệnh viện không mua được thuốc chữa bệnh và vật tư y tế. Nhiều tài sản công của nhà nước không thể chuyển giao cho khu vực tư như các dự án bất động sản không thể xác định giá đất để các nhà đầu tư đầu tư có quỹ đất để đầu tư, phát triển các dự án bất động sản bởi những cơ quan quan lý e ngại không biết xác định giá thế nào là phù hợp.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, nguyên nhân căn bản của tình trạng trên là do trong các quy định của luật pháp hiện nay chưa có những quy định một cách chặt chẽ, cụ thể về những căn cứ, phương pháp để xác định giá hàng hóa.

Do đó, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, yêu cầu đầu tiên của việc hoàn thiện Luật lần này là phải “lấp khoảng trống” về các căn cứ pháp luật để làm cơ sở cho việc xác định giá có căn cứ, có cơ sở, bao gồm những phương pháp đánh giá, những căn cứ định giá, những nguyên tắc định giá...

Theo đại biểu, dự thảo Luật cần phải có một chương riêng về phương pháp, căn cứ, nguyên tắc định giá. “Khi chúng ta có một chương riêng như thế thì những người làm chức năng tư vấn định giá không thể tùy tiện đưa các căn cứ định giá theo ý của mình. Đồng thời, khi đã sử dụng các công cụ đó rồi thì dù thời gian trôi đi, khi cơ quan kiểm tra, điều tra vào thì vẫn có cơ sở để bảo vệ họ”, đại biểu nói.

Đọc thêm