Theo nội dung của Dự thảo Nghị định, Chính quyền địa phương được phép vay nợ để bù đắp bội chi của ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, hoặc vay để trả nợ gốc của ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Về nguyên tắc vay của chính quyền địa phương: Vay bù đắp bội chi của ngân sách địa phương chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển để thực hiện chương trình, dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Vay để trả nợ gốc khi thực hiện vay có thể thực hiện theo phương thức trước khi phân bổ dự toán vốn đầu tư phát triển phải trừ tương ứng số chi trả nợ gốc thực hiện bằng nguồn vay, phần còn lại của vốn đầu tư mới phân bổ cho các chương trình dự án. Sau khi tổ chức vay được sẽ thực hiện phân bổ cho các dự án; trường hợp không vay được hoặc vay thấp hơn mức dự kiến thì phải thực hiện cắt giảm vốn đầu tư tương ứng.
Chính quyền địa phương chỉ được phép vay trong tổng mức vay đã được Quốc hội quyết định hằng năm cho từng địa phương và trong hạn mức dư nợ vay. Không được vay trực tiếp ngoài nước, không được bảo lãnh cho các doanh nghiệp để vay vốn hoặc phát hành trái phiếu trong và ngoài nước.
Mọi khoản vay do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh vay phải được tính đúng, tính đủ vào nợ của chính quyền địa phương.
Bảo đảm mức dư nợ vay của chính quyền địa phương theo quy định tại khoản 6 Điều 7 của Luật ngân sách nhà nước và Điều 4 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ngân sách nhà nước (sau đây gọi là Nghị định số 163/2016/NĐ-CP của Chính phủ). Trường hợp các địa phương được áp dụng cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù, thì mức dư nợ vay của chính quyền địa phương được thực hiện theo quy định đặc thù.
Về hình thức, chính quyền địa phương được phép vay thông qua việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương tại thị trường vốn trong nước theo quy định của Nghị định này; Vay lại từ nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ theo quy định tại Chương V Luật Quản lý nợ công, Nghị định của Chính phủ quy định về cho vay lại vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài và Nghị định này; hoặc vay từ các nguồn tài chính khác trong nước theo quy định của pháp luật về ngân sách và quy định tại Nghị định này.
Điều kiện vay của chính quyền địa phương thực hiện theo quy định tại Điều 52 Luật quản lý nợ công.
Dự thảo Nghị định cũng quy định việc về Kế hoạch vay, trả nợ 05 năm của chính quyền địa phương. Theo đó, kế hoạch vay, trả nợ 05 năm của chính quyền địa phương được lập cùng và là một nội dung trong kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan khác ở địa phương lập kế hoạch vay, trả nợ 05 năm của chính quyền địa phương cùng với thời gian xây dựng kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.
Việc lập kế hoạch vay, trả nợ 05 năm của chính quyền địa phương trên cơ sở các căn cứ, yêu cầu về lập dự toán ngân sách nhà nước, dự toán ngân sách địa phương quy định tại Điều 6 và Điều 7 Nghị định số 45/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc lập kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm (sau đây gọi là Nghị định số 45/2017/NĐ-CP của Chính phủ)....