Việc tăng cường kiểm soát, xử lý vi phạm chở hàng quá tải trọng với những quy định “cứng nhắc” mà Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang cho triển khai không chỉ làm cho ngành thủy sản bị “tê liệt” (như Báo PLVN đã phản ánh) mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình sản xuất kinh doanh của hàng ngàn doanh nghiệp hoạt động trong những ngành nghề khác.
Quá khổ vì quy định xe quá khổ
Trong văn bản gửi tới Thủ tướng Chính phủ gần đây, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên bức xúc: Việc thực hiện kiểm soát xử lý vi phạm chở hàng quá tải trọng chưa có lộ trình phù hợp, chưa được tính toán kỹ lưỡng các hệ lụy đang gây thiệt hại lớn cho hàng ngàn doanh nghiệp ở địa phương.
Đây cũng là bức xúc của hàng trăm ngàn doanh nghiệp khác trong cả nước. Ông Hoàng Minh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Lào Cai than phiền: việc xử lý các phương tiện quá khổ, quá tải đang gây nhiều hệ lụy khó lường cho các doanh nghiệp ở tỉnh này như: tình trạng ùn tắc giao thông, hàng hóa không lưu chuyển được, chi phí vận tải tăng đột biến.
Còn bà Trần Thị Đẹp - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang cho biết: “Việc kiểm tra tải trọng xe trên các quốc lộ trọng điểm mà Bộ GTVT đang thực hiện khiến chi phí vận tải tăng gấp 2 lần, khiến việc giải phóng hàng hóa tại các cảng bị ứ đọng do các doanh nghiệp vận tải đột ngột ngưng hoạt động”.
Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng cũng phản ánh, với việc kiểm tra xử lý của đoàn liên ngành về tải trọng cầu đường, xử lý lỗi vượt tải trọng cho phép như hiện nay thì hầu hết các xe chở container nếu tham gia giao thông đều vi phạm. Thực tế này khiến nhiều xe không dám chở hàng dẫn đến việc ùn tắc hàng hóa tại các cảng là không thể tránh khỏi.
Theo đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, từ ngày 1/4, giao thông tuy có thuận lợi hơn do ít xe tải chạy trên đường hơn nhưng nhìn từ góc độ kinh tế là điều bất thường, không ai mong muốn. “Tốc độ lưu thông hàng hóa chậm do năng lực vận tải thiếu, hàng hóa dư thừa nhiều, hệ quả là tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại. Trước đây cước phí vận tải thấp giá bán hàng hóa vì thế cũng thấp, người tiêu dùng được lợi. Bây giờ vận chuyển đúng tải, cước phí vận tải sẽ phải tăng, giá bán hàng hóa cuối nguồn cũng tăng theo, khó khăn lại đổ lên đầu doanh nghiệp và người tiêu dùng” - một doanh nghiệp lo lắng.
“Sợ nhất là làm theo phong trào”
Tại Hải Phòng, hầu hết các sơ mi rơ- moóc nhập khẩu và sản xuất trong nước đang lưu hành, trọng tải cho phép tham gia giao thông tại các sổ kiểm định vừa không đồng nhất, vừa quá thấp so với thiết kế của nhà sản xuất. Điều này dẫn tới 60% sơmi rơ- moóc không đủ điều kiện chở hàng hóa đóng trong các container xuất nhập khẩu qua cảng biển Việt Nam.
“Để thực hiện đúng theo quy định của Bộ GTVT, doanh nghiệp vừa cần phải cơ cấu lại đoàn xe, vừa phải bố trí xe cho phù hợp với từng loại chủng loại hàng hóa. Song, trong bối cảnh này hầu hết các doanh nghiệp vận tải đều thiếu vốn trong khi đó các loại thuế, phí, xăng dầu, vật tư, phụ tùng… đều cao nên không dễ gì đầu tư ngay được mà cần phải có lộ trình nhất định” - ông Lê Văn Tiến, chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng cho hay.
Nhiều doanh nghiệp lo sợ việc kiểm tra tải trọng này nếu thực hiện theo phong trào, theo kiểu “đầu voi, đuôi chuột” thì sẽ “giết chết” doanh nghiệp. Theo họ, trước đây do buông lỏng quản lý kéo dài nhiều năm, gần như tất cả các nhà vận tải đều chở quá tải (200-300%). Muốn chở được nhiều thì chủ phương tiện phải cơi nới, hoán cải, thùng bệ chi phí rất cao (từ 50 triệu đến hàng trăm triệu đồng/xe). Nay, siết chặt quản lý xe quá tải, quá khổ, các chủ xe lại phải chi thêm tiền để sửa lại như cũ.
Nếu như sau này các địa phương, các ngành lại buông lỏng quản lý, các xe chưa sửa chữa hoặc các xe mới mua lại được dịp chở quá khổ, quá tải thì các xe đã sửa chữa theo đúng chuẩn quy định sẽ bị làm khó và không thể cạnh tranh được và họ sẽ phải lựa chọn hoặc phá sản hoặc là lại bỏ một “đống tiền” ra để cơi nới lại.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng, các doanh nghiệp vận tải và các chủ hàng đang băn khoăn, lo lắng không rõ các cơ quan quản lý nhà nước có các giải pháp triệt để, đồng bộ hay không để doanh nghiệp vận tải còn tính toán giá đầu vào sản phẩm và đầu tư phương tiện cho phù hợp. P.H
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên: Để các doanh nghiệp và nền kinh tế dễ thích ứng, tránh những hệ quả làm khó doanh nghiệp, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT và các tỉnh nên thực hiện việc kiểm tra trọng tải có lộ trình, đồng thời để hài hòa an toàn giao thông, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông với hiệu quả tối ưu của vận tải, đề nghị điều chỉnh theo hướng nâng trọng tải chở hàng cho các xe tải lên 30-40% khi cấp đăng kiểm.