Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Dự thảo Nghị định nói trên thì tổng thời hạn tối đa được giao khu vực biển là 50 năm (30 năm, gia hạn nhiều lần không quá 20 năm). Có 2 ngoại lệ: Thứ nhất, trường hợp thời hạn giao khu vực biển hết nhưng thời hạn giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên còn hiệu lực thì sẽ được xem xét để cấp mới quyết định giao khu vực biển (khoản 2 Điều 6).
Thứ hai, trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực, nếu khu vực biển đã được giao trên 30 năm và được trả tiền một lần cho cả thời hạn thuê thì được xem xét để công nhận thời hạn sử dụng khu vực biển bằng thời hạn quyết định giao, cho thuê đất có mặt nước, mặt nước biển nêu trên (khoản 3 Điều 6).
VCCI nhận định, quy định thời hạn chung và các trường hợp ngoại lệ như trên được hiểu là nhằm thiết lập khung khổ chung thống nhất, đồng thời vẫn bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư trong trường hợp Nhà nước đã có cam kết khác về thời hạn liên quan tới việc đầu tư.
Tuy nhiên, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, VCCI cho rằng, việc quy định thời hạn tối đa giao khu vực biển (dù đã có những ngoại lệ) vẫn cần được xem xét lại. Bởi lẽ, thứ nhất, những trường hợp “ngoại lệ” tương đối phổ biến nên có thể xảy ra tình trạng quy định tại khoản 1 (thời hạn tối đa 50 năm) không còn ý nghĩa, trong khi lại khiến nhà đầu tư bất an.
Ví dụ, đối với trường hợp thời hạn giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên có thời hạn dài hơn thời hạn tối đa quy định tại khoản 1 (trường hợp tại khoản 2), theo quy định tại Điều 43 Luật Đầu tư 2014 thì thời hạn tối đa của dự án đầu tư trong khu kinh tế là 70 năm. Trên thực tế các nhà đầu tư thường sẽ đăng ký thời hạn tối đa được phép.
Như vậy, áp dụng vào trường hợp tại khoản 1, nếu nhà đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án ở khu vực biển trong khu kinh tế (70 năm) thì sẽ phải thực hiện ít nhất 02 lần cấp mới (năm thứ 1 và năm thứ 51) và 01 lần xin gia hạn giấy phép (năm thứ 31). Mỗi lần xin gia hạn hoặc cấp mới, nhà đầu tư sẽ có nguy cơ không tiếp tục được dự án đầu tư (bởi vẫn tồn tại khả năng bị cơ quan có thẩm quyền từ chối cấp mới/gia hạn). Điều này sẽ khiến cho tâm lý của nhà đầu tư trở nên thiếu ổn định và tạo ra gánh nặng về thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư.
Thứ hai, việc đặt thời hạn tối đa cứng cho việc giao khu vực biển cũng có thể tạo ra nguy cơ lãng phí nguồn tài nguyên. Ví dụ trường hợp thời hạn giao biển dài hơn thời hạn giấy phép khai thác sử dụng tài nguyên, có thể xảy ra tình huống giấy phép khai thác hết nhưng thời hạn giao khu vực biển vẫn còn. Khi đó, khu vực biển sẽ bị rơi vào tình trạng “để không”, khi chủ đầu tư không có quyền khai thác nữa và cũng không được phép cho thuê hay chuyển nhượng lại. Trong khi các nhà đầu tư khác lại muốn vào nhưng lại phải chờ vì chưa hết thời hạn giao khu vực biển của nhà đầu tư cũ. Điều này gây ra sự lãng phí về tài nguyên.
Trong khi đó, theo quy định tại Điều 10 Dự thảo thì việc giao khu vực biển sẽ căn cứ vào việc “tổ chức, cá nhân đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép khai thác, sử dụng tài nguyên biển ở khu vực biển đề nghị giao”.
Do đó, để tránh các hiện tượng ở trên và phù hợp với các quy định khác trong Dự thảo, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp đề nghị điều chỉnh lại toàn bộ quy định về thời hạn giao khu vực biển tại Điều 6 theo hướng quy định thời hạn giao biển tương ứng với thời hạn của giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên biển ở khu vực biển của nhà đầu tư, và để tránh hiểu nhầm, thời hạn này nên xác định thời điểm hết hạn cụ thể, trùng với thời điểm hết hạn giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên biển.