Quy định mới về cấp giấy phép hoạt động báo in, báo điện tử

(PLVN) - Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) vừa ban hành Thông tư 41/2020/TT-BTTTT quy định chi tiết và hướng dẫn việc cấp giấy phép hoạt động báo in, tạp chí in và báo điện tử, tạp chí điện tử, xuất bản thêm ấn phẩm, thực hiện hai loại hình báo chí, mở chuyên trang của báo điện tử và tạp chí điện tử, xuất bản phụ trương, xuất bản bản tin, xuất bản đặc san.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó, đối tượng áp dụng của Thông tư là các đối tượng được thành lập cơ quan báo chí quy định tại Điều 14 Luật Báo chí có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 17 Luật Báo chí được đề nghị cấp giấy phép hoạt động báo in, tạp chí in và báo điện tử, tạp chí điện tử, xuất bản thêm ấn phẩm, thực hiện hai loại hình báo chí, mở chuyên trang của báo điện tử và tạp chí điện tử, xuất bản phụ trương.

Thông tư quy định rõ thẩm quyền cấp từng loại giấy phép của Bộ trưởng Bộ TTTT cũng như Cục trưởng Cục Báo chí. Cụ thể, Bộ trưởng Bộ TTTT sẽ cấp phép đối với: Giấy phép hoạt động báo in; Giấy phép hoạt động tạp chí in; Giấy phép xuất bản thêm ấn phẩm báo chí; Giấy phép sửa đổi, bổ sung những quy định ghi trong giấy phép hoạt động báo in/hoạt động tạp chí in/xuất bản thêm ấn phẩm báo chí; Giấy phép hoạt động báo điện tử; Giấy phép hoạt động tạp chí điện tử; Giấy phép sửa đổi, bổ sung những quy định ghi trong giấy phép hoạt động báo điện tử/tạp chí điện tử; Giấy phép hoạt động báo in và báo điện tử; Giấy phép hoạt động tạp chí in và tạp chí điện tử; Giấy phép sửa đổi, bổ sung những quy định ghi trong giấy phép hoạt động báo in và báo điện tử/tạp chí in và tạp chí điện tử. 

Cục trưởng Cục Báo chí cấp phép đối với: Giấy phép xuất bản phụ trương; Giấy phép mở chuyên trang của báo điện tử/tạp chí điện tử; Giấy phép sửa đổi, bổ sung những quy định ghi trong giấy phép xuất bản phụ trương/mở chuyên trang của báo điện tử/mở chuyên trang của tạp chí điện tử; Giấy phép xuất bản bản tin cho các cơ quan, tổ chức của trung ương, cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam; Giấy phép xuất bản đặc san. Ngoài ra, UBND cấp tỉnh hoặc người đứng đầu cơ quan chuyên môn cấp tỉnh được giao quyền cấp giấy phép xuất bản bản tin cho các cơ quan, tổ chức ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Theo Thông tư, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị, cơ quan cấp giấy phép kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, cơ quan cấp giấy phép có văn bản thông báo cho cơ quan, tổ chức nộp hồ sơ về việc bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động báo in gồm có: Tờ khai đề nghị cấp giấy phép hoạt động báo in; Đề án hoạt động báo in (có chữ ký của người có thẩm quyền và đóng dấu hoặc ký số của cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép) và các tài liệu kèm theo, gồm các nội dung sau: Sự cần thiết và cơ sở pháp lý; trình bày việc đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 17 Luật Báo chí; kết cấu và nội dung chính của ấn phẩm; quy trình xuất bản và quản lý nội dung; Danh sách dự kiến nhân sự của báo in; Sơ yếu lý lịch người dự kiến là Tổng biên tập; Mẫu trình bày tên gọi ấn phẩm báo in có xác nhận của cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép. Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động báo in. Trường hợp từ chối cấp phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Đối với đề nghị cấp giấy phép hoạt động báo điện tử, hồ sơ gồm có: Tờ khai đề nghị cấp giấy phép hoạt động báo điện tử; Đề án hoạt động báo điện tử (có chữ ký của người có thẩm quyền và đóng dấu hoặc ký số của cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép) và các tài liệu kèm theo; Danh sách dự kiến nhân sự của báo điện tử; Sơ yếu lý lịch người dự kiến là Tổng biên tập; Mẫu trình bày giao diện trang chủ của báo điện tử phải hiển thị các thông tin theo quy định tại Điều 46, Luật Báo chí, có xác nhận của cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép.

Đối với hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép xuất bản đặc san gồm có: Tờ khai đề nghị cấp giấy phép xuất bản đặc san; Bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử có giá trị pháp lý hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu quyết định thành lập, giấy phép thành lập, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương (đối với tổ chức nước ngoài tại Việt Nam); Sơ yếu lý lịch của người chịu trách nhiệm xuất bản đặc san; Mẫu trình bày tên gọi đặc san có xác nhận của cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép và bản dịch tiếng Việt được công chứng (đối với tên gọi đặc san thể hiện bằng tiếng nước ngoài). Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Báo chí có trách nhiệm cấp giấy phép xuất bản đặc san; trường hợp từ chối cấp phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2021. 

Đọc thêm