Quy định mới về thực hiện hợp đồng

(PLO) - Thực hiện hợp đồng là một quá trình diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định nên dễ phát sinh tranh chấp, do đó việc điều chỉnh một số quy định trong Bộ luật Dân sự (BLDS) về quá trình thực hiện hợp đồng là vô cùng cần thiết. Các quy định này góp phần tạo tâm lý yên tâm hơn cho các doanh nghiệp khi ký kết, thực hiện hợp đồng, từ đó thúc đẩy phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Quy định mới về thực hiện hợp đồng

Tránh trùng lặp, tăng tính thống nhất 

BLDS 2015 kế thừa nhiều quy định còn phù hợp của BLDS 2005 về việc thực hiện hợp đồng đơn vụ, hợp đồng song vụ, hoãn thực hiện nghĩa vụ, không thực hiện được nghĩa vụ, thực hiện hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba, thỏa thuận phạt vi phạm. Bên cạnh đó, BLDS 2015 có một số nội dung sửa đổi cần thiết, phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn.

Cụ thể, để tránh tình trạng trùng lặp với nguyên tắc đã được thể hiện trong quy định chung về hợp đồng và giao dịch dân sự, BLDS 2015 không tái quy định nguyên tắc thực hiện hợp đồng. 

 Về cầm giữ tài sản trong hợp đồng song vụ, để đảm bảo tính thống nhất trong quy định của BLDS và tránh trùng lặp, BLDS 2015 sửa đổi quy định của BLDS 2005 theo hướng chỉ quy định chung về xác lập quyền cầm giữ tài sản đối với tài sản của bên có nghĩa vụ.

Khi bên có quyền cầm giữ tài sản của bên có nghĩa vụ, bên có nghĩa vụ không có khả năng khai thác và hưởng lợi từ tài sản này một cách trọn vẹn, vì vậy cầm giữ tài sản tạo được sức ép cho bên có nghĩa vụ bởi nếu muốn khai thác, hưởng lợi một cách đầy đủ tài sản của mình thì họ phải thực hiện đúng nghĩa vụ của mình để bên cầm giữ giao tài sản.

 Phạt vi phạm hợp đồng được xem như một chế tài trong hợp đồng áp dụng trong trường hợp một bên có vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng đối với bên còn lại. Phạt vi phạm chỉ được áp dụng nếu các bên có thỏa thuận rõ ràng trong hợp đồng về phạt vi phạm. 

Về thỏa thuận phạt vi phạm, để đảm bảo thực hiện hợp đồng phù hợp với đặc thù của lĩnh vực cụ thể và thống nhất với quy định của Luật Thương mại, BLDS 2015 bổ sung quy định thỏa thuận về phạt vi phạm phải phù hợp với quy định của luật liên quan. Nếu như trước đây Điều 422 BLDS 2005 quy định:

“Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận” thì nay Điều 418 BLDS 2015 sửa đổi thành: “Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật có liên quan quy định khác”. Quy định này tạo ra cách hiểu và thực hiện thống nhất trong thực tiễn xác lập, thực hiện hợp đồng, nhất là đối với các doanh nghiệp.

Đề cao việc bảo vệ lợi ích chính đáng của các chủ thể

Để đảm bảo lẽ công bằng theo hướng bên vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho bên không được hưởng lợi ích từ hợp đồng do có sự vi phạm nghĩa vụ, BLDS 2015 bổ sung quy định về bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng (Điều 419). Về cơ bản, khi một bên có hành vi vi phạm nghĩa vụ quy định trong hợp đồng mà là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại cho bên còn lại thì phải tiến hành bồi thường thiệt hại cho bên đó, thiệt hại ở đây có thể là về mặt vật chất hoặc các tổn thất về tinh thần.

Trên thực tế đã nảy sinh nhiều trường hợp mà trong quá trình thực hiện hợp đồng thì hoàn cảnh thay đổi, dẫn đến quyền lợi của một bên bị thiệt hại nặng nề, thậm chí không thể tiếp tục thực hiện nghĩa vụ. Do vậy, để bảo vệ lợi ích chính đáng của các bên trong hợp đồng và phù hợp với thông lệ quốc tế, BLDS 2015 đã bổ sung quy định về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản.

Theo đó, trong những trường hợp mà hoàn cảnh thay đổi dẫn đến sự thay đổi cơ bản sự cân bằng lợi ích giữa các bên thì các bên có thể thỏa thuận điều chỉnh hợp đồng, nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án quyết định. Để tránh sự lạm dụng, gây thiệt hại cho một bên trong hợp đồng, Điều 420 BLDS 2015 cũng quy định rõ về điều kiện được coi là hoàn cảnh thay đổi cơ bản.

Có thể nói, những sửa đổi, bổ sung của BLDS 2015 về thực hiện hợp đồng có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra môi trường pháp lý đầy đủ, ổn định cho việc thực hiện hợp đồng theo nguyên tắc bình đẳng, chịu trách nhiệm, thiện chí, trung thực, công bằng cho các chủ thể trong giao dịch dân sự.

Đọc thêm