Quy định rõ trách nhiệm trong ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật

(PLVN) - Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị nghiên cứu trách nhiệm của các cơ quan khi ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn có những bất cập hoặc gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Quy định về áp dụng tiêu chuẩn quốc gia đảm bảo rõ ràng, minh bạch

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 36, sáng nay, 20/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Trình bày Tờ trình dự án Luật tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, dự thảo Luật gồm có 4 điều. Các nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào 6 nhóm nội dung chính trong các chính sách đã được Chính phủ thông qua.

Đó là đảm bảo thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng và triển khai đầy đủ các cam kết quốc tế về yêu cầu minh bạch hoá; thúc đẩy xã hội hoá hoạt động xây dựng, phổ biến và áp dụng tiêu chuẩn; tăng cường tính hiệu quả của hoạt động đánh giá sự phù hợp; hoàn thiện quy định về nguyên tắc, đối tượng, căn cứ, trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, công bố tiêu chuẩn quốc gia, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy chuẩn địa phương; nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng, quản lý tiêu chuẩn cơ sở theo hướng chặt chẽ hơn.

Đồng thời, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đồng thời đảm bảo hiệu quả, đúng quy định pháp luật, điều ước quốc tế trong quản lý, sử dụng và khai thác tiêu chuẩn; tăng cường phân cấp, phân quyền, phối hợp giữa các bộ ngành, giữa cơ quan trung ương và địa phương; đổi mới cơ chế, chính sách thu hút, đào tạo nhân lực hoạt động trong hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động của ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (KC,CN&MT) Lê Quang Huy cho biết, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban KH,CN&MT nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của dự án Luật với 19 điều của 5 chương trên tổng số 71 điều được sửa đổi, bổ sung.

Về xây dựng, thẩm định, công bố và áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy, dự thảo Luật đã sửa đổi quy định nhằm khắc phục một số bất cập trong xây dựng, thẩm định, công bố, thông báo, áp dụng tiêu chuẩn.

Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, rà soát, bổ sung quy định về quy trình xây dựng tiêu chuẩn quốc gia; quy định rõ ràng hơn về sự tham gia của tổ chức, cá nhân trong xây dựng tiêu chuẩn quốc gia; bổ sung quy định tiêu chí, điều kiện, trách nhiệm để các tổ chức, cá nhân liên quan được tham gia vào xây dựng tiêu chuẩn quốc gia; cân nhắc việc quy định về áp dụng tiêu chuẩn quốc gia tại khoản 4 nhằm đảm bảo rõ ràng, minh bạch và đúng quy định pháp luật.

Tránh quy định “giật cục”, tăng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, trong quá trình theo dõi, các doanh nghiệp phản ánh câu chuyện quy chuẩn kỹ thuật của chúng ta “đâu đó vẫn còn có những nội dung quy định thiếu thống nhất và cách hiểu nội dung chưa rõ ràng, dẫn đến quá trình triển khai tổ chức thực hiện có vướng mắc nhất định”.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phản ánh quá trình điều chỉnh các quy chuẩn, tiêu chuẩn có nội dung điều chỉnh quá nhanh, “sốc”, không có lộ trình để thực hiện hoặc không có quy định chuyển tiếp, khiến chi phí tuân thủ của doanh nghiệp tăng lên, ảnh hưởng đến cạnh tranh của hàng hóa của các doanh nghiệp.

“Như thế, rõ ràng chúng ta cần phải sửa đổi để có những quy định tránh những bất cập, vướng mắc đã được phát hiện ra như quy định chưa rõ ràng, quy định “giật cục”, tăng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp”, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nói.

Về tiêu chuẩn kỹ thuật, theo ông Vũ Hồng Thanh, hiện nay, chúng ta đã tham gia sâu vào hội nhập kinh tế quốc tế. Khi hội nhập như vậy thì các sản phẩm hàng hóa của chúng ta đưa vào các thị trường của quốc tế phải tuân thủ theo yêu cầu của thị trường, phải có xuất xứ hàng hoá rõ ràng, phải theo tiêu chuẩn.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp.

Do đó, ông Vũ Hồng Thanh đề nghị, trong sửa đổi Luật lần này, phải cân nhắc khả năng tận dụng những tiêu chuẩn kỹ thuật của các nước khác trong các hiệp định thương mại tự do để tránh việc xây dựng bộ tiêu chuẩn nhưng lại không phù hợp với các tiêu chuẩn của các nước, vừa tốn kém, vừa không hiệu quả, thậm chí còn gây lãng phí, tốn kém cho cộng đồng doanh nghiệp.

Cho rằng dự thảo Luật đưa ra quy định cho các tổ chức, doanh nghiệp được tham gia vào quá trình xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn là rất đúng vì đây là những đối tượng chịu tác động trực tiếp của những tiêu chuẩn, quy chuẩn này, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế đề nghị cần có quy định về tiêu chí, điều kiện, trách nhiệm cũng như hình thức của các doanh nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Trong khi đó, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị nghiên cứu quy định trách nhiệm của các cơ quan khi ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn có những bất cập hoặc có những quy trình, thủ tục gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, thậm chí có những bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn có quy định cao hơn thực tiễn tránh lãng phí nguồn lực nhà nước hay có những tiêu chuẩn, quy chuẩn đặt ra để người dân, doanh nghiệp phải “thế này, thế kia”.

Đọc thêm