Quy định thế nào để không còn chuyện đến... thư mời cũng bí mật?

(PLO) - Quy định rõ các thông tin phải được cung cấp ngay trong Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin để đảm bảo tính khả thi của việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin là ý kiến được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra đối với Dự thảo Luật này tại phiên họp sáng qua (12/8). 
Cần có giới hạn về tiếp cận thông tin nhằm bảo đảm lợi ích của quốc gia, doanh nghiệp và của công dân. (Ảnh minh họa).
Cần có giới hạn về tiếp cận thông tin nhằm bảo đảm lợi ích của quốc gia, doanh nghiệp và của công dân. (Ảnh minh họa).
Cần giới hạn khi tiếp cận thông tin thuộc bí mật nhà nước
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nêu rõ, việc xây dựng và ban hành Luật Tiếp cận thông tin (TCTT) là rất cần thiết, bảo đảm thực hiện quyền TCTT của công dân, tạo tiền đề, điều kiện cho việc thực hiện các quyền tự do dân chủ khác của con người, của công dân mà Hiến pháp  2013 đã quy định, như quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, quyền bầu cử, ứng cử, quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, quyền khiếu nại, quyền tố cáo, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí… 
Một trong những vấn đề trong Dự án Luật được quan tâm nhiều nhất là những thông tin mà cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin được từ chối cung cấp. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (QH) Phan Trung Lý cho rằng, hiện nay các văn bản pháp luật chuyên ngành như Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước, Luật Lưu trữ... đã điều chỉnh việc tiếp cận đối với thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật đời tư, thông tin trong các tài liệu, hồ sơ đã được chuyển sang lưu trữ lịch sử, thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm toán, tố tụng; hơn nữa, trình tự, thủ tục tiếp cận, thẩm quyền cung cấp cũng như điều kiện tiếp cận các loại thông tin này có sự khác biệt. 
Do đó, việc Dự thảo Luật loại trừ ra khỏi phạm vi điều chỉnh việc tiếp cận các thông tin nêu trên là phù hợp. Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị, đối với việc TCTT thuộc bí mật nhà nước, cần có giới hạn nhất định nhằm bảo đảm lợi ích của quốc gia, của doanh nghiệp và của công dân. 
Quy định rõ những thông tin thuộc loại “mật”
Theo Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, thực tế hiện nay tràn lan hiện tượng tài liệu mật đến tối mật, tuyệt mật, thậm chí thư mời cũng bí mật. “Người dân muốn hỏi các thông tin tràn lan trên các phương tiện thông tin đại chúng có phải là thật hay không nhưng cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin lại có thể từ chối nếu thấy có liên quan đến các vấn đề thuộc diện bí mật” – ông Sơn nhận định. 
Do đó, Phó Chủ tịch QH đề nghị rà soát lại Dự án Luật, đưa ra quy định cụ thể, rõ ràng về vấn đề được cung cấp, những tài liệu mật hay tối mật không được cung cấp để người có trách nhiệm cung cấp thông tin biết và có hướng trả lời người dân, đảm bảo tính khả thi của Luật.
Đồng quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai cho rằng, việc cung cấp danh mục những vấn đề không tiếp cận được sẽ giúp Luật bớt đi sự mơ hồ, từ đó tạo điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận hơn. Còn Trưởng ban Dân nguyện của QH Nguyễn Đức Hiền cho rằng, việc quy định cụ thể như vậy sẽ hạn chế các vụ việc khiếu nại, tố cáo trong việc cung cấp thông tin.
Thừa nhận thực tế hiện nay việc TCTT của công dân còn bất cập, hạn chế, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu hy vọng Dự án Luật TCTT sẽ điều chỉnh quyền của công dân, trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc cung cấp thông tin; trình tự, thủ tục, điều kiện bảo đảm cung cấp thông tin để công dân thực hiện tốt hơn quyền của mình được quy định trong Luật này và các luật liên quan khác.
Chiều qua, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật An toàn thông tin (ATTT). Qua thảo luận tại Kỳ họp thứ 9, đa số ý kiến Đại biểu Quốc hội đề nghị viết rõ hơn tên Dự án Luật thành “Luật ATTT mạng” hoặc “Luật ATTT, an ninh thông tin mạng” để phù hợp hơn với phạm vi điều chỉnh của Luật; đồng thời đề nghị cần cân nhắc về nội dung thông tin được truyền tải trên mạng. 
Tiếp thu ý kiến này, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sau khi cân nhắc kỹ lưỡng đã thống nhất với Ban soạn thảo điều chỉnh tên Luật thành “Luật ATTT mạng” để phù hợp với nội dung Dự thảo Luật. Nhưng phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật thì không điều chỉnh về nội dung thông tin mà chỉ tập trung vào những vấn đề như về an toàn cho thông tin trên mạng, về kỹ thuật nhằm bảo đảm an toàn, nguyên vẹn các nội dung thông tin trong quá trình truyền tải mà không bị sửa đổi, tiết lộ và gián đoạn…

Đọc thêm