Con không thể đi học, mẹ không thể tái hôn
“Sau khi tan giấc mộng hôn nhân với người chồng ở Đài Loan, chị Cao Thế Duy (ở ấp 10, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) đưa con trai là cháu Cao T. (SN 2012, quốc tịch Đài Loan) trốn về quê mẹ. Mặc dù đã về Việt Nam, cháu T. giờ đã 4 tuổi nhưng vẫn mang quốc tịch Đài Loan.
Ông Cao Văn Huyện, cha chị Duy cho biết, sau khi con gái và cháu ngoại ông về quê sinh sống, ông đã đến các cấp chính quyền địa phương để báo cáo về sự có mặt của bé T. để cháu được đi học mẫu giáo. Nhưng từ đó tới nay, thời gian trôi qua gần 2 năm nay mà sự việc vẫn chưa được giải quyết”.
Câu chuyện trên đã được đăng tải trên một tờ báo vào đầu tháng 6 vừa rồi và đây cũng là một trong rất nhiều chuyện buồn không hồi kết ở tỉnh Hậu Giang – một tỉnh hiện có gần cả ngàn trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài, nhiều nhất là lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc… Và thực tế này cũng đã được đưa ra tại buổi tọa đàm về “Vấn đề kết hôn có yếu tố nước ngoài - Thực trạng và giải pháp tại khu vực phía Nam” do Cục Công tác phía Nam của Bộ Tư pháp tổ chức mới đây tại TP.Vũng Tàu.
Thống kê cho thấy, khó khăn lớn nhất của các cô dâu Việt Nam là vấn đề quốc tịch. Hiện nay, có một số cô dâu Việt Nam rơi vào tình trạng không quốc tịch do đã thôi quốc tịch Việt Nam nhưng chưa được nhập quốc tịch nước ngoài (vì ly hôn hoặc chồng chết…). Do đó, cũng phát sinh khó khăn liên quan đến vấn đề quốc tịch của những đứa trẻ là con lai. Đây là số trẻ em đã có quốc tịch nước ngoài hoặc chưa xác định quốc tịch nước ngoài hay Việt Nam nhưng theo mẹ (đã ly hôn và về nước) hoặc được người mẹ gửi cho ông bà ngoại nuôi tại Việt Nam.
Do vấn đề quốc tịch nên việc giải quyết đăng ký khai sinh (ĐKKS), đăng ký hộ khẩu cũng như việc thực hiện các chính sách giáo dục, y tế... đối với những trẻ em này gặp khó khăn, vướng mắc hiện chưa có hướng giải quyết một cách thống nhất, đồng bộ.
Cũng như vấn đề quốc tịch, ly hôn đang là vướng mắc lớn nhất về pháp lý đã “bịt lối” làm lại cuộc đời của các cô dâu Việt. Tuy về được quê hương nhưng những phụ nữ lấy chồng nước ngoài hoặc không lấy được bản án ly hôn tại nước ngoài nên không thể kết hôn tại Việt Nam; hoặc trường hợp các cô dâu tự ý bỏ về và người chồng cũng chưa đưa đơn ly hôn ra tòa tại nước ngoài.
Bên cạnh đó, xung đột pháp luật về giải quyết ly hôn giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài cũng làm khó cho cô dâu Việt.
Đơn cử, Tòa án Hàn Quốc chỉ lưu bản án ly hôn trong vòng hai năm sau khi có phán quyết của tòa (đối với những trường hợp thuận tình ly hôn). Sau thời gian này, bản án ly hôn sẽ bị hủy và không thể lấy bản án mà chỉ được cấp một giấy chứng nhận hôn nhân gia đình, trong đó có ghi rõ thời gian kết hôn, ly hôn. Nhưng pháp luật Việt Nam lại không công nhận giấy chứng nhận hôn nhân gia đình kiểu này. Do đó, với những phụ nữ Việt Nam đã ly hôn người chồng Hàn Quốc quá hai năm mà chưa lấy được bản án ly hôn sẽ gặp rắc rối khi muốn kết hôn ở Việt Nam...
Minh họa nguồn internet. |
Tiếp tục hoàn thiện pháp luật để tránh rủi ro
Trả lời báo chí về hướng giải quyết cho những trẻ theo mẹ về Việt Nam sinh sống chưa có giấy khai sinh, ông Lê Thanh Phong, Sở Tư pháp Hậu Giang cho biết, theo thống kê của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Hậu Giang, hiện trên địa bàn tỉnh có trên 200 trẻ theo mẹ về Việt Nam sinh sống chưa có giấy khai sinh.
“Hiện Sở Tư pháp đã kính đề nghị Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực của Bộ Tư pháp có hướng dẫn rõ hơn cho các trường hợp về ĐKKS có yếu tố nước ngoài. Vì theo quy định của pháp luật, trường hợp trẻ em sinh ra ở nước ngoài, được ĐKKS tại Việt Nam (theo quốc tịch đã ghi trong hộ chiếu) thì không được nhập hộ khẩu, trường hợp này cũng gặp khó khăn trong việc học của trẻ em có yếu tố nước ngoài”- ông Phong cho biết.
Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hậu Giang cho thấy có 148 em trong độ tuổi đi học. Hiện nay nhu cầu được đến trường của các em rất lớn nhưng về nguyên tắc, nếu muốn được nhập học bắt buộc học sinh phải có giấy khai sinh và hộ khẩu thường trú.
Còn theo ông Hoàng Kim Chiến - Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam của Bộ Tư pháp, kết hôn với người nước ngoài là hiện tượng bình thường xảy ra ở tất cả các quốc gia nói chung, Việt Nam nói riêng. Chính vì vậy, những giải pháp cần thực hiện không nhằm mục đích hạn chế, ngăn cản quan hệ kết hôn với người nước ngoài mà nhằm tránh những rủi ro không đáng có đối với phụ nữ Việt Nam tham gia các quan hệ hôn nhân.
“Theo đó, cần tập trung vào các giải pháp cơ bản như: tiếp tục hoàn thiện pháp luật về kết hôn có yếu tố nước ngoài, cần sửa đổi, bổ sung quy định giải quyết xung đột pháp luật về hình thức kết hôn có yếu tố nước ngoài; bổ sung các quy định bảo đảm ngăn chặn hiệu quả các tiêu cực trong việc kết hôn với người nước ngoài; tiếp tục thực hiện việc ký kết Hiệp định Tương trợ tư pháp với các nước có đông người Việt Nam cư trú, sinh sống” – ông Chiến nhấn mạnh.