Quy định về nơi đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu

(PLVN) - Thường trú ở Vĩnh Long thì có được đăng ký khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) ban đầu tại các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh hay không? Giải đáp của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn những quy định về vấn đề này.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bạn đọc có địa chỉ email mekong….@gmail.com hỏi: Tôi thường trú tại TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long và có tham gia BHYT hơn 5 năm nay. Tôi có bệnh Viêm gan B, thường xuyên KCB ở Bệnh viện Nhiệt Đới TP Hồ Chí Minh, mọi lần đi khám theo định kỳ đều phải tự thanh toán chi phí. Vậy, tôi có được đăng ký nơi KCB ban đầu của tôi là các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh được không? Nếu được thì thủ tục như thế nào?

Nếu không được, trong trường hợp công ty tôi thực hiện các dự án của ngành giao thông, nhân viên chúng tôi thường được bố trí công việc theo các dự án ở TP Hồ Chí Minh và các địa phương khác. Vậy, công ty tôi có thể đăng ký thẻ BHYT KCB ban đầu cho nhân viên tại các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh được hay không?

Giải đáp vấn đề trên, BHXH Việt Nam cho biết, Điều 8 Thông tư số 40/2015/TT-BYT quy định người tham gia BHYT được quyền đăng KCB BHYT ban đầu tại một trong các cơ sở KCB tuyến xã/tuyến huyện hoặc tương đương không phân biệt địa giới hành chính, phù hợp với nơi làm việc, nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở KCB.

Như vậy, người dân có thể thay đổi nơi KCB ban đầu về một trong các cơ sở y tế phù hợp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Để được thay đổi nơi đăng ký KCB BHYT ban đầu trên thẻ BHYT, vào đầu mỗi quý, người dân đến cơ quan BHXH nơi phát hành thẻ (thành phố Vĩnh Long) để được hướng dẫn thủ tục.

Về việc công ty đăng ký nơi KCB BHYT ban đầu cho người lao động, BHXH Việt Nam cho biết, về nguyên tắc, các đơn vị doanh nghiệp đặt trụ sở tại tỉnh/thành phố nào thì sẽ được lựa chọn nơi đăng ký KCB ban đầu cho người lao động trên địa bàn đó. 

Tuy nhiên, trường hợp công ty đóng BHYT cho người lao động đang công tác dài hạn tại tỉnh/thành phố khác thì vẫn có thể thực hiện đăng ký KCB ban đầu tại các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh/thành phố đó theo đúng quy định.

Đối với trường hợp người lao động phải công tác, lưu trú tại các tỉnh/thành phố khác mà không chuyển nơi đăng ký KCB ban đầu thì có thể tự đến KCB mà vẫn được quỹ BHYT thanh toán đầy đủ chi phí trong phạm vi và mức hưởng quy định, cụ thể như sau:

Một là, KCB tại các bệnh viện tuyến huyện trên toàn quốc (có xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ chứng minh nhân thân có ảnh);

Hai là, KCB ban đầu tại cơ sở KCB cùng tuyến hoặc tương đương với cơ sở đăng ký KCB ban đầu ghi trên thẻ BHYT đối với trường hợp người tham gia BHYT trong thời gian đi công tác, làm việc lưu động, học tập trung theo các hình thức đào tạo, chương trình đào tạo, tạm trú và phải xuất trình thẻ BHYT; giấy tờ chứng minh nhân thân có ảnh và một trong các giấy tờ sau đây (bản chính hoặc bản chụp): giấy công tác, quyết định cử đi học, thẻ học sinh, sinh viên, giấy tờ chứng minh đăng ký tạm trú, giấy chuyển trường.

Còn trường hợp người dân muốn đăng ký KCB BHYT ban đầu tại các bệnh viện tuyến tỉnh, BHXH Việt Nam cho biết, tại Điều 8 và Điều 9 Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16/10/2015 của Bộ Y tế quy định người tham gia BHYT được quyền đăng ký KCB BHYT ban đầu tại một trong các cơ sở KCB tuyến xã/tuyến huyện và tương đương không phân biệt địa giới hành chính, phù hợp với nơi làm việc, nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở KCB.

Đối với việc đăng ký KCB BHYT ban đầu tại bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương do Giám đốc Sở Y tế quy định sau khi có ý kiến bằng văn bản của Giám đốc BHXH cấp tỉnh.

Đồng thời tại Điều 13 Thông tư số 40/2015/TT-BYT quy định Sở Y tế chủ trì, phối hợp với cơ quan BHXH và các cơ sở KCB quy định đối tượng, cơ cấu nhóm đối tượng, số lượng người tham gia BHYT đăng ký KCB ban đầu quy định tại Điều 8, Điều 9 Thông tư này phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và khả năng đáp ứng của cơ sở KCB. 

Sau khi thống nhất với Sở Y tế và cơ sở KCB, BHXH các tỉnh đăng tải trên trang điện tử của BHXH tỉnh thông tin về cơ sở KCB BHYT tuyến tỉnh, tuyến trung ương có tiếp nhận thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu, số lượng thẻ BHYT và đối tượng được đăng ký KCB ban đầu tại cơ sở KCB tuyến tỉnh, tuyến Trung ương để BHXH các tỉnh khác biết và hướng dẫn người có thẻ BHYT lựa chọn.  

Như vậy, việc giải quyết đăng ký KCB BHYT ban đầu tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh, tuyến trung ương phải thực hiện theo hướng dẫn của Sở Y tế thành phố sau khi đã thống nhất với BHXH thành phố và các cơ sở KCB. 

Đọc thêm