Quy định về nồng độ cồn: Cấm tuyệt đối hay có giới hạn?

(PLVN) - Một trong những vấn đề được quan tâm trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhằm bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông, tránh lạm dụng rượu, bia, bảo vệ giống nòi, hạn chế tai nạn giao thông.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc. (Ảnh: Phạm Thắng)

Còn nhiều ý kiến khác nhau

Trong phiên thảo luận hội trường về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội (QH) khóa XV vừa qua, quy định này cũng nhận được nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu (ĐB).

Bày tỏ sự thống nhất với quy định của dự thảo Luật, ĐB Đặng Bích Ngọc (Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình) phân tích, thời gian qua, Bộ Công an đã rất quyết liệt trong chỉ đạo tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông. Điều này góp phần rất quan trọng vào việc bảo đảm an toàn giao thông, trật tự xã hội, phòng ngừa nguy cơ tai nạn, hạn chế rất lớn những vụ tai nạn thương tâm xảy ra, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc tham gia giao thông, hình thành văn hóa, thói quen “đã uống rượu, bia thì không lái xe”.

ĐB Lê Hữu Trí (Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa) lại cho rằng, việc quy định nghiêm cấm tuyệt đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, Chính phủ đã có ý kiến giải trình hợp lý. Theo đó, quy định này nhằm bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người tham gia giao thông, hạn chế thấp nhất các tai nạn giao thông quan trọng. Trên thực tế, việc xử lý quyết liệt vi phạm liên quan đến nồng độ cồn có tác dụng tích cực nhất định về thay đổi ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, hạn chế tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, quy định này cũng có phần chưa phù hợp dưới góc độ văn hóa, tập quán sinh hoạt của người Việt Nam cũng như góc độ sinh học... ĐB Trí đề nghị cần nghiên cứu, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng quy định này trên cơ sở bảo đảm yêu cầu thực tiễn, các căn cứ khoa học, bảo đảm tính khả thi.

Đồng tình, ĐB Trịnh Minh Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long) đề nghị, không nên quy định một cách tuyệt đối, cứng nhắc, mà nên quy định như trong luật cũ, nghĩa là có giới hạn nhất định về nồng độ cồn trong máu, hơi thở, khi vượt qua mốc đó thì mới phạt.

Tranh luận với các ý kiến cho rằng nên quy định về ngưỡng nồng độ cồn, ĐB Phạm Văn Thịnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) ủng hộ quy định cấm trong Luật. Theo ĐB, tác hại của người tham gia giao thông mà trong người có nồng độ cồn là rất lớn, 50% tai nạn nghiêm trọng có nguyên nhân từ việc người tham gia giao thông mà trong máu có nồng độ cồn. ĐB nhấn mạnh, quy định của Luật cần tường minh để người dân dễ kiểm chứng, đánh giá việc mình có vi phạm hay không vi phạm thì phương án cấm sẽ tường minh và dễ chấp hành.

Mặt khác, việc cho phép uống rượu đến mức nào đấy sẽ tạo ra không gian thúc đẩy hành vi vi phạm. Cùng với đó, ý thức chấp hành pháp luật giao thông của nước ta chưa cao, việc quy định cấm sẽ phù hợp hơn. Ngoài ra, ĐB nêu rõ, quy định trong dự thảo Luật không phải là mới, mà đã được quy định trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Thời gian gần đây đã quyết liệt thực hiện nên mang lại hiệu quả rất tốt.

Bộ Công an đề xuất nồng độ cồn bằng 0

Đại biểu Trịnh Minh Bình. (Ảnh: Nghĩa Đức)

Mới đây, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) cũng đã thông tin với báo chí về một số nội dung liên quan đến quy định nồng độ cồn trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên cho biết, nội dung này thống nhất với quy định tại khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia với nội dung điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là hành vi bị cấm.

Quá trình xây dựng dự án Luật, Ban soạn thảo đã đánh giá rất kỹ lưỡng tác động của rượu, bia đối với người lái xe. Trên cơ sở nghiên cứu đánh giá, có hai căn cứ để đặt ra quy định nồng độ cồn bằng 0. Căn cứ thứ nhất, nhằm bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện nay, trong đó Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã có quy định cấm người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia trước và trong khi lái xe.

Căn cứ thứ hai, từ thực tiễn hiện nay cho thấy rất nhiều vụ tai nạn giao thông gây ra hậu quả nghiêm trọng mà nguyên nhân chính do lái xe uống rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện. Theo số liệu thống kê, trong năm vừa qua có 43% số vụ tai nạn giao thông có lỗi do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia.

Trong thời gian qua, Bộ Công an triển khai chuyên đề phòng chống tác hại của rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông và xử lý vi phạm về nồng độ cồn. Theo đó, với sự quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ đó, năm vừa qua đã giảm được hơn 1.900 người chết vì tai nạn giao thông. Trong đó, tai nạn nguyên nhân do người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia đã giảm rõ rệt cả ba tiêu chí. Đây là mức giảm rất ấn tượng, đồng thời đây cũng là cơ sở cho quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe. Ban soạn thảo đánh giá quy định này sẽ bảo đảm được quyền bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe của người tham gia giao thông, không làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội, mà chỉ thay đổi thói quen, làm cho xã hội văn minh và lành mạnh hơn.

Cũng theo Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, chiến dịch xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn sẽ là kế hoạch trọng điểm trong công tác năm 2024. Đặc biệt, việc xử lý người vi phạm trên tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ và không có ngày nghỉ”.

Đọc thêm