Quy hoạch điện VIII bám sát cam kết của Việt Nam tại COP26

(PLVN) -  Lần thứ 3 trình Quy hoạch điện VIII và bị yêu cầu chỉnh sửa lại theo góp ý của các chuyên gia và bám sát cam kết của Việt Nam tại COP26. Trong đó, yêu cầu bám sát cam kết tại COP26 đang là thử thách rất lớn vì mọi thay đổi đều đang dồn đến nguồn vốn và giá điện.
Quy hoạch điện VIII giảm điện than, phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng mới.

Có thể thay đổi cơ cấu nguồn điện

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, để sửa đổi, bổ sung dự thảo Quy hoạch điện (QHĐ) VIII theo chỉ đạo, Bộ đã thực hiện tính toán bổ sung thêm phương án phát triển nguồn điện (Phương án điều hành tháng 11/2021) có xem xét tới yếu tố dự phòng khi tỷ lệ thực hiện nguồn điện không đạt 100% so với quy hoạch. Đồng thời xem xét giảm nguồn điện than theo tinh thần của Hội nghị COP26, để xin ý kiến các cơ quan, tổ chức, địa phương và các chuyên gia, các nhà khoa học.

So với dự thảo Quy hoạch tháng 3/2021, phương án điều hành trong dự thảo tháng 11/2021 đã thể hiện xu hướng phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (NLTT), phù hợp cam kết cắt giảm khí CO2 tại Hội nghị COP26.

Cụ thể, phương án điều hành trong dự thảo tháng 11/2021 đề xuất công suất nguồn đến năm 2030 giảm khoảng trên 24.000MW (từ khoảng 180.000MW xuống 156.000MW), đến 2045 giảm khoảng 36.000MW (từ 369.500MW xuống 333.500MW).

Ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh cho rằng, về cơ cấu nguồn điện theo dự thảo QHĐ VIII, đối với các ràng buộc hiện tại thì có thể xem là hợp lý. Tuy nhiên, nếu đưa theo điều kiện của Net Zero (tại Hội nghị COP26) vào thì cơ cấu nguồn có thể sẽ phải thay đổi.

Và những thay đổi này sẽ đòi hỏi phải có những điều kiện liên quan, ví dụ như các cơ chế thúc đẩy việc triển khai pin lưu trữ, khả năng sẵn sàng của hệ thống điện (bao gồm cả hệ thống truyền tải) để tiếp nhận tỷ trọng nguồn điện gió và mặt trời ở mức cao hơn.

Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, QHĐ VIII được xây dựng trên quan điểm tính toán cân đối nguồn - tải theo vùng miền, hạn chế truyền tải điện đi xa, hạn chế thấp nhất truyền tải điện liên vùng (qua tính toán, so với dự thảo quy hoạch trước, lần này, cắt giảm hàng nghìn km đường dây 500kV phải xây mới). Bên cạnh đó, bảo đảm dự phòng từng miền ở mức độ hợp lý, đặc biệt là ở miền Bắc, trong bối cảnh hiện nay tốc độ tăng trưởng điện năng tiêu thụ của miền Bắc cao nhất trong 3 miền.

Chưa hết, theo ông Sơn, nếu thay đổi theo hướng cam kết Net Zero thì các thay đổi đi kèm ít nhiều sẽ làm tăng thêm chi phí tổng thể của toàn bộ hệ thống. Điều này sẽ dẫn đến hệ lụy phải tăng giá điện, giá năng lượng để đảm bảo bù đắp các chi phí này. Và câu chuyên giá điện, năng lượng tăng sẽ ảnh hưởng đến các vấn đề khác như phát triển công nghiệp, đầu tư, hạ tầng, tiêu dùng.

Giá điện sẽ tăng

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An khẳng định, quan điểm lớn trong QHĐ VIII là giảm điện than, phát triển NLTT và năng lượng mới. Trong lĩnh vực NLTT sẽ xem xét lại việc phát triển điện mặt trời. Bởi loại điện này luôn có nhược điểm là có số giờ vận hành hạn chế (tương đương 4h/ngày), chưa có hệ thống lưu trữ năng lượng và “chỉ cần một đám mây đi qua là giảm 40% công suất”. Trong khi đó, thời điểm dùng nhiều nhất là vào chiều tối (từ 5h chiều đến 10h tối). “Điện gió ngoài khơi đóng vai trò quan trọng, sẽ được tập trung ưu tiên trong giai đoạn tới” - Thứ trưởng An thông tin.

Việc chuyển dịch năng lượng theo hướng phát triển năng lượng xanh, sạch là đúng hướng, song theo ông Sơn, cần tính toán hợp lý, tăng bao nhiêu và lộ trình như thế nào để đảm bảo an ninh cung cấp điện quốc gia cho từng giai đoạn và có dự phòng.

Do đó cần phải tính toán thật kỹ trong việc điều chỉnh lần này, vì việc lập quy hoạch cần phải dựa trên những chứng cứ khoa học, các văn bản pháp lý cụ thể và phải đảm bảo có được một tỷ lệ nguồn điện “chắc chắn” trong đầu tư và vận hành trước khi xem xét đưa thêm các nguồn có độ bất định cao.

Trong góp ý của Cộng đồng NLTT Việt Nam, để đảm bảo phát triển năng lượng bền vững, để từng bước đáp ứng cam kết COP26 thì việc tăng giá điện phải được đưa lên đầu tiên. Cùng với đó, từng bước xây dựng lộ trình tăng giá điện cho những ngành có tiêu thụ điện năng lớn nhưng sử dụng công nghệ lạc hậu và mang lại hiệu quả kinh tế thấp.

Cần dựa trên danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm để có sự phân loại ngành nghề sản xuất tương ứng với mức tiêu thụ năng lượng, đánh giá công nghệ sử dụng, thước đo hiệu quả về kinh tế và tác động ảnh hưởng đến môi trường - xã hội để từ đó có thể áp dụng các mức giá điện tăng khác nhau.

Tại một hội nghị của Ban Kinh tế Trung ương, ông Chu Bá Thi, chuyên gia năng lượng của Ngân hàng Thế giới cũng cho rằng, để cắt giảm khí thải nhà kính, cần lượng vốn rất lớn đầu tư cho hệ thống tích trữ năng lượng như thuỷ điện tích năng, pin tích trữ và hệ thống truyền tải, công nghệ kỹ thuật năng lượng khác.

Có thể thực hiện lộ trình này theo kịch bản, cho tăng kịch trần nhiệt điện than vào năm 2025 sau đó giảm dần. Tuy nhiên, phải dứt khoát đóng cửa sớm các nhà máy điện than công suất 18MW. “Và để bù đắp chi phí tăng, cần 19 tỷ USD để giữ điện theo kịch bản thông thường, 1 tỷ USD hàng năm đầu tư cho ngành Điện” - ông Thi nói.

Đọc thêm