Ngành dịch vụ vẫn khó khăn
Theo báo cáo của VNDIRECT, làn sóng COVID-19 lần thứ 4 đã có tác động tiêu cực đến ngành dịch vụ. Du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi khách đồng loạt hủy chuyến bay và khách sạn do nỗi lo bị lây nhiễm COVID-19.
Ngoài ra, việc phong tỏa tại một số khu vực trong tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, cùng với việc tạm dừng các dịch vụ không thiết yếu ở một số tỉnh, thành khác đã kìm hãm sự tăng trưởng của một số phân ngành dịch vụ, bao gồm lưu trú và ăn uống, du lịch và giải trí.
Do đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 5 giảm 3,1% so với tháng trước và 1,0% so với cùng kỳ (so với mức tăng mạnh 1,5% so với tháng trước và 29,9% so với cùng kỳ của tháng 4).
VNDIRECT dự báo doanh thu của ngành dịch vụ vẫn ở mức thấp trong tháng 6 do các biện pháp cách ly xã hội tiếp tục được triển khai một cách chặt chẽ ở các địa phương để ngăn chặn sự lây lan của dịch. VNDIRECT kỳ vọng ngành dịch vụ sẽ phục hồi từ đầu quý III/2021, sau khi làn sóng COVID-19 lần thứ 4 được kiểm soát và các biện pháp cách ly xã hội được nới lỏng.
Kỳ vọng vào những ngành nào?
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Việt Nam tăng 1,6% so với tháng trước và 11,6% so với cùng kỳ trong tháng 5/2021 (so với mức tăng trưởng của tháng 4 là 1,1% so với tháng trước và 24,1% so với cùng kỳ).
Đây là mức tăng trưởng đáng khích lệ trong bối cảnh các tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, hai trung tâm công nghiệp lớn của Việt Nam đóng cửa một số khu công nghiệp trong nhiều ngày nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh.
Trong khi đó, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam vẫn duy trì trên mốc 50 điểm trong tháng 5, đạt 53,1 điểm, cho thấy hoạt động sản xuất tiếp tục được mở rộng bất chấp tác động của COVID-19.
Các phân ngành sản xuất chuyển mình mạnh mẽ. Sản xuất da và các sản phẩm liên quan, sản xuất thép, sản xuất giấy, sản xuất đồ nội thất và sản xuất các sản phẩm từ cao su và nhựa đều tăng. Tuy nhiên, khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên và khai thác than và than non suy giảm.
VNDIRECT kỳ vọng ngành sản xuất sẽ tiếp tục mở rộng trong tháng 6, nhờ các biện pháp phòng tránh dịch COVID-19 hiệu quả trong các khu công nghiệp và nhu cầu đối với các sản phẩm công nghiệp gia tăng tại các thị trường nhập khẩu truyền thống của Việt Nam như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.
Về tổng quan, VNDIRECT hạ dự báo tăng trưởng GDP trong quý II/2021 xuống mức 7% (+/-0,3 điểm %) so với dự báo trước đó là 7,5% do ngành dịch vụ có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề trước làn sóng COVID-19 thứ 4.
VNDIRECT kỳ vọng ngành nông nghiệp và công nghiệp sẽ duy trì đà tăng trưởng nhờ nhu cầu trên toàn cầu gia tăng. Trong cả năm 2021, VNDIRECT duy trì tăng trưởng GDP năm 2021 ở mức 6,7% với kỳ vọng ngành sản xuất sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa trong nửa cuối năm 2021, nhờ nhu cầu phục hồi tại Hoa Kỳ và châu Âu.
Đáng chú ý, lạm phát được kiểm soát tốt, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/21 tăng 2,9% so với cùng kỳ (cao hơn mức tăng 2,7% so với cùng kỳ trong tháng 4/21) thấp hơn dự báo trước đó của VNDIRECT.
Áp lực lạm phát cao hơn trong 6 tháng cuối năm
Theo VNDIRECT, mối lo về lạm phát gia tăng và tăng trưởng tín dụng khả quan đã khiến lãi suất liên ngân hàng tăng tương đối mạnh trong tháng 5/2021. Đơn vị này cho rằng dư địa cho cắt giảm lãi suất là tương đối hạn chế bởi áp lực lạm phát cao hơn trong 6 tháng cuối năm 2021 do giá dầu thô thế giới tăng, cơn sốt giá bất động sản tại một số tỉnh, thành phố tăng mạnh trong những tháng đầu năm sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước thận trọng hơn trong việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ.
Nếu lãi suất tín dụng sẽ duy trì ở mức ổn định đến hết năm 2021, với tỷ suất lợi nhuận của các ngân hàng thương mại ở mức tốt, VNDIRECT cho rằng các ngân hàng sẽ tiếp tục ổn định lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.