“Quyền lực” của VAMC có thể đánh bay nợ xấu?

Công ty TNHH MTV quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sẽ chính thức khai sinh ngày 9/7 tới. Đến lúc này, các văn bản mở đường cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp đặc biệt  này cũng đã và đang rốt ráo hoàn thiện. Thế nhưng, tại sao trong khi xử lý nợ là nhu cầu cấp thiết và VAMC từng được trông đợi với nhiều kỳ vọng, thì nay lại đang bị đặt trước những băn khoăn…

Theo dự thảo Thông tư  hướng dẫn thực hiện Nghị định 53/2013/NĐ-CP quy định về việc mua, bán, xử lý nợ xấu của VAMC mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố mới đây và đang được các tổ chức tín dụng, các chuyên gia quan tâm góp ý, dự kiến có hiệu lực cùng ngày 9/7 với Nghị định 53, bên cạnh một loạt các vai trò, nghĩa vụ trong xử lý nợ xấu, VAMC cũng có những “quyền lực đặc biệt”.

Chỉ mua "nợ tốt"

Không giống như các AMC của ngân hàng, theo dự thảo này, VAMC VAMC đưa ra tiêu chí rõ ràng về việc mua nợ. VAMC chỉ mua các khoản nợ xấu có giá trị từ 3 tỷ đồng trở lên với tổ chức và 1 tỷ đồng trở lên với cá nhân. Khoản nợ muốn được “lọt” vào “mắt xanh” của VAMC phải là khoản nợ có khách hàng vay còn tồn tại, khoản vay phải có khả năng thu hồi, phải có trên 65% giá trị tài sản đảm bảo là bất động sản, khoản vay phải hợp pháp và không có tranh chấp.

Nếu khoản vay “tốt” như VAMC muốn mua, ắt nhiều ngân hàng cũng muốn giữ, bởi không cần phải nhờ tới một đơn vị khác, thì khi khoản nợ đáp ứng được những điều kiện đó, ngân hàng cũng có nhiều hy vọng và năng lực tự thu hồi. Nhưng, không phải ngân hàng muốn giữ mà được, bởi VAMC có một quyền khác nữa là yêu cầu tổ chức tín dụng (TCTD) bắt buộc phải bán nợ, bằng “bảo bối” là “nếu các TCTD có nợ xấu từ 3% trở lên không bán nợ cho VAMC thì Ngân hàng Nhà nước sẽ vào cuộc thanh tra một phần hoặc toàn diện”.

Theo tính toán của NHNN, dự kiến VAMC sẽ xử lý được khoảng 80.000 – 100.000 tỷ đồng nợ xấu với tỷ lệ thu hồi dự kiến là 20% – 40%. Như vậy, với quy định tỷ lệ VAMC được hưởng là 2% tương ứng với mức thu của công ty là 320 – 800 tỷ đồng.

Với thời gian xử lý dự kiến là 5 năm thì mức thu hàng năm của VAMC là khoảng 60 – 160 tỷ đồng, dự kiến này sẽ đủ bù đắp các chi phí liên quan hàng năm của doanh nghiệp.

Sau thanh tra, nếu phát hiện ra TCTD cố tình giấu nợ thì đầu tiên là buộc TCTD đó phải bán nợ, tiếp đến NHNN cũng có thể yêu cầu TCTD phải tăng vốn điều lệ, phải áp dụng một số tỷ lệ an toàn cao hơn quy định, có giới hạn tăng trưởng tín dụng, hạn chế hoạt động, chia cổ tức, cổ phần, chuyển nhượng tài sản và tái cơ cấu bắt buộc...

“Mở” hết cửa cứu “con nợ”

VAMC ngoài ra còn được áp dụng các cơ chế tài chính đặc thù về tiền lương, thưởng và không phải dự phòng cho các khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt. VAMC cũng không bị áp dụng quy định về đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước.

Bù lại, các khách hàng hay “con nợ” cũng sẽ có những lợi ích riêng khi thuộc diện bán nợ cho VAMC. Đầu tiên là họ được cơ cấu lại nợ: các khách hàng vay sẽ được giãn nợ, gia hạn nợ, được giảm lãi suất về mức trung bình của các ngân hàng thương mại nhà nước, tức là dưới 13%/năm hiện nay so với mức phổ biến trên dưới 20%/năm mà hầu hết các khoản nợ xấu đang “gánh”.

Các khách hàng cũng được hỗ trợ bằng cách cho vay vốn hoặc bảo lãnh cho vay vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh.

Một “đặc ân” khác mà VAMC có thể trao cho khách hàng, đó là VAMC cũng có thể giảm hoặc miễn lãi quá hạn thanh toán mà khách chưa có khả năng trả nợ. Đây là nội dung vô cùng quan trọng, giúp cho khách hàng giảm được gánh nặng đáng kể, vốn là nguyên nhân cơ bản khiến cho họ rơi vào tình trạng vỡ nợ do lãi quá hạn thường ở mức rất cao, có khi lên gấp rưỡi hoặc gấp đôi so với lãi gốc.

Rụt rè mong ngóng

Đó là cụm từ mà các chuyên gia mô tả tâm trạng của nhiều ngân hàng. Dù có ý kiến này khác, nhưng rõ ràng nhiều TCTD có nợ xấu cao đang trông chờ vào sự có mặt của VAMC để các khoản nợ xấu được xử lý nhanh hơn và sớm trở lại quỹ đạo phát triển bình thường.

Trên thực tế, trong nhiều trường hợp, các ngân hàng vẫn được tự tay thực hiện xử lý nợ xấu, khi dự thảo Thông tư quy định các TCTD sẽ được VAMC ủy quyền cho thực hiện xử lý nợ xấu. Khi đó, VAMC chỉ giữ vai trò giám sát, còn việc xử lý nợ xấu vẫn do các TCTD thực hiện và tránh được những xáo trộn về hoạt động. Sau khi tiến hành bán nợ cho VAMC, TCTD có thể sử dụng trái phiếu đặc biệt đó để mang lên Ngân hàng Nhà nước cầm cố và vay tái cấp vốn với một mức lãi suất theo quy định của NHNN, thường là ưu đãi hơn so với lãi suất thông thường.

Nghị định 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC nêu rõ, VAMC mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt do công ty phát hành.

Trái phiếu đặc biệt được phát hành dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử với mệnh giá có giá trị bằng giá mua của khoản nợ xấu.

Trái phiếu đặc biệt được phát hành bằng đồng Việt Nam có thời hạn tối đa 5 năm và lãi suất bằng 0%; được sử dụng để vay tái cấp vốn của NHNN. Ngoài ra, VAMC còn mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo giá trị thị trường bằng nguồn vốn không phải trái phiếu đặc biệt.

Bách Linh 

Đọc thêm