Diễn đàn do Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) phối hợp tổ chức.
Từ quan điểm, trẻ em phải được coi là một chủ thể đặc biệt trong việc tiếp cận thông tin; thông tin cung cấp cho trẻ em phải đầy đủ, kịp thời, dễ hiểu, có thể tiếp cận được và phù hợp với khả năng hiểu biết và độ tuổi của trẻ em, LS.Nguyễn Hưng Quang cho rằng, dự thảo Luật cần bổ sung nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận của trẻ em với các thông tin cần thiết cho sự sống còn, sự phát triển, cũng như khả năng tham gia một cách có ý nghĩa trong xã hội của trẻ em.
Bên cạnh đó, bà Ngô Thị Minh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nhấn mạnh, “cần đứng về phía TE để đảm bảo tôn trọng sự phát triển toàn diện, vì lợi ích tốt nhất và không phân biệt đối xử với TE” và Nhà nước có nghĩa vụ bảo đảm các thông tin cung cấp cho trẻ em phải đầy đủ, kịp thời, dễ tiếp cận và dễ hiểu với mọi trẻ em và vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
Tương tự, Luật gia Lê Thế Nhân đánh giá dự thảo Luật về Hội vẫn thiếu cơ chế đảm bảo quyền tự do thành lập, tham gia hội nhóm và hội họp hoà bình của trẻ em. Theo luật gia, quy định tại dự thảo khó phát huy được tính “xã hội” của các tổ chức hội, cũng như tiếng nói tập thể của mọi người dân, kể cả trẻ em.
Vì vậy, dự thảo Luật cần được xây dựng trên quan điểm bảo vệ và thúc đẩy quyền tự do hội họp và lập hội của mọi người dân, trong đó cần khuyến khích quyền tự do lựa chọn hay tôn trọng sự đa dạng việc lập hội của trẻ em…