Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu như vậy tại Hội thảo Đối thoại chính sách MTTQ Việt Nam với dân số và phát triển bền vững do Trung ương MTTQ Việt Nam và Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) tổ chức hôm qua (17/9) tại Hà Nội.
Sinh con – phải có trách nhiệm
Thực tế cho thấy, sau 12 năm thực hiện, Pháp lệnh Dân số đã bộc lộ nhiều hạn chế, nhiều quy định còn nặng về nguyên tắc, tính khả thi không cao. Không chỉ vậy, hiện vấn đề dân số đã có nhiều thay đổi (chuyển từ mục tiêu giảm sinh sang mục tiêu duy trì mức sinh thấp hợp lý; vô sinh có xu hướng gia tăng; mất cân bằng giới tính khi sinh bước vào mức cao; già hóa dân số với tốc độ nhanh; chất lượng dân số thấp…). Do vậy, theo ban soạn thảo, việc xây dựng và ban hành Luật Dân số là rất cần thiết để phù hợp với yêu cầu thực tế.
Liên quan đến quyền, nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng và cá nhân trong thực hiện kế hoạch hóa gia đình, phần lớn các đại biểu đều nhất trí với phương án thứ nhất tại Dự thảo, đó là họ được “quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội về thời gian sinh con, số con, khoảng cách giữa các lần sinh. Nhà nước khuyến khích các cá nhân, cặp vợ chồng chỉ sinh đến hai con”. Quy định này vừa đảm bảo quyền con người, vừa phù hợp với Hiến pháp 2013 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Sau khi lấy dẫn chứng một số nước trên thế giới đang gặp khó khăn không thể khắc phục trong phát triển kinh tế - xã hội do duy trì mức sinh thay thế thấp và kéo dài, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cân nhắc: “Một bộ phận quan trọng của dân số là người lao động, nhưng hiện một số nước đang lâm vào tình trạng thiếu lao động trầm trọng… Việt Nam nên duy trì mức sinh thay thế kéo dài suốt 9 năm nay (dưới 2,1 con/mẹ - PV) hay kéo giảm xuống nữa? Đây là vấn đề thuộc quyền con người. Việc sinh bao nhiêu con là quyền của mỗi cặp vợ chồng, nhưng qua bài học kinh nghiệm của các nước cho thấy quyền này không chỉ liên quan đến mỗi gia đình, mỗi cá nhân mà còn ảnh hưởng đến lợi ích của cả quốc gia, dân tộc”.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, không nên áp dụng công cụ bắt buộc mang tính áp đặt về số con của mỗi cặp vợ chồng mà cần có những khuyến cáo, giải thích và vận động để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Đồng thời, đề nghị cần xác định mức sinh thay thế ở vùng đô thị, vùng nông thôn, miền núi một cách cụ thể để tạo sự cân bằng chung trong cả nước.
Đưa ra những thông điệp cho Việt Nam trong thời gian tới, bà Ritsu Nacken - Quyền Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho rằng: Việt Nam không cần phải tiếp tục chính sách giảm mức sinh hay kiểm soát dân số và phải chuyển trọng tâm của chính sách dân số từ kiểm soát sinh sang việc lồng ghép các biến số dân số vào quá trình lập kế hoạch phát triển. Chính sách và Luật Dân số trong thời gian tới cần phải tôn trọng và bảo vệ quyền sinh sản và quyền tự do lựa chọn về sinh sản.
Cũng theo bà Ritsu Nacken, Việt Nam nên có những ưu tiên cho các chính sách và can thiệp giúp giảm thiểu các bất bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe tình dục/sức khỏe sinh sản đối với các nhóm dân cư dễ bị tổn thương như người dân tộc thiểu số, người di cư, người trẻ tuổi và những người đang sống ở các vùng khó khăn.
Nhà nước sẽ phụng dưỡng cha mẹ sinh con toàn gái?
Đối với vấn đề bình đẳng giới và bảo đảm cân bằng giới tính khi sinh, Dự thảo Luật quy định: “Ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí phụng dưỡng cho người cao tuổi chỉ có một hoặc hai con gái mà không có chế độ bảo hiểm xã hội”.
Bên cạnh một số ý kiến đồng tình, cũng có ý kiến tỏ vẻ không nhất trí, bởi quy định này chỉ quan tâm tới những gia đình có con gái, trong khi thực tế hiện nay nhiều gia đình toàn con gái lại chăm sóc cha mẹ chu đáo hơn những gia đình có con trai. Hơn nữa nội dung điều luật cũng không phù hợp với Luật Bình đẳng giới.
“Nếu đề ra quy định này, vô hình trung chúng ta đang nhấn mạnh đến những gia đình không có con trai thì sẽ được ưu tiên hơn những gia đình có con trai, như vậy rõ ràng là có sự phân biệt đối xử” - TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển xã hội nhận xét.
Lo lắng trước vấn đề nạo phá thai ngày càng gia tăng, nhất là trong giới trẻ, GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng thẳng thắn: Thiếu sót hiện nay của chúng ta là không giáo dục về sinh sản và giới tính cho học sinh đến nơi đến chốn.
“Với việc cải cách giáo dục hiện nay như gộp Lý - Hóa - Sinh thành một môn tự nhiên sẽ khiến thời gian các em được học môn Sinh rất ít. Việc phân ban cũng khiến học sinh ít có hiểu biết về Sinh học… Hiện không ai kiểm soát được phá thai chui, trong khi phá thai chui lại chiếm phần nhiều, từ đó dễ dẫn đến những hậu quả lớn như tai biến sản khoa, vô sinh. Vấn đề này, càng nhận thức sớm thì càng tốt. Các em cần có quyền được tiếp cận thông tin, kiến thức về sức khỏe sinh sản, tránh thai, nạo phá thai…” - GS.TS Dũng bày tỏ.
Mong muốn chính sách dân số sẽ có bước phát triển mới, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu phải thay đổi toàn diện chính sách dân số nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững sau năm 2015, đồng thời nên đổi tên Chương trình mục tiêu quốc gia “Dân số và kế hoạch hóa gia đình” thành Chương trình mục tiêu quốc gia “Dân số bền vững và gia đình hạnh phúc”. Cùng với đó, cần thành lập Ủy ban Quốc gia về Dân số bền vững và gia đình hạnh phúc do Thủ tướng hoặc một Phó Thủ tướng làm Trưởng ban để huy động được sức mạnh của toàn xã hội.