Vượt quyền, “ẵm” tiền tỷ của Cty
Thực hiện hợp đồng xây dựng chợ Phố Hiến (Hưng Yên) với Cty TNHH Đầu tư phát triển Hoàng Phát (Cty Hoàng Phát), Cty 389 (vốn nhà nước chiếm 77%) đã hoàn thành khối lượng thi công giai đoạn 1 với giá trị hơn 11 tỷ đồng.
Dù hai bên đã ký hồ sơ thanh toán với khối lượng hơn 9 tỷ đồng nhưng do không được thanh toán đúng hẹn và phía đối tác có dấu hiệu trốn tránh nên đến tháng 1/2014, Cty 389 đã có đơn tố cáo việc bị Cty Hoàng Phát chiếm đoạt tài sản.
Chỉ đến khi làm việc với Phòng Điều tra hình sự (ĐTHS) Quân khu 3 thì đại diện Cty Hoàng Phát mới cam kết thanh toán hết công nợ vào trước tháng 3/2014. Ngay trong tháng 1/2014 thì Cty này đã chuyển trả 2 tỉ đồng vào tài khoản tạm giữ của Phòng ĐTHS để chuyển trả cho Cty 389.
Những ngày sau đó, ông Trần Quang Luyến - Phó Giám đốc Cty 389 và ông Nguyễn Tiến Dũng - Kế toán trưởng (đều làm việc tại Cty 389 theo hình thức hợp đồng lao động) đã 3 lần đến Phòng ĐTHS để trực tiếp nhận 2 tỷ đồng tiền mặt nói trên.
Ngay sau khi biết việc nhận tiền này, Cty 389 đã có văn bản báo cáo cấp trên và đề nghị Cục ĐTHS (Bộ Quốc phòng) vào cuộc vì cho rằng Phó Giám đốc Trần Quang Luyến và Kế toán trưởng Nguyễn Tiến Dũng đã tự ý đi nhận tiền của Cty mà không có ủy quyền hợp lệ. Sau khi nhận tiền, hai ông này đã không nộp về Cty để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh chung mặc dù đã được Cty đề nghị nhiều lần.
Về sự việc này, Cơ quan ĐTHS Bộ Quốc phòng kết luận, ông Luyến và ông Dũng đã “tự ý ký Giấy giới thiệu và tự ý sử dụng Giấy ủy quyền số 366/GUQ (không có nội dung ủy quyền nhận tiền tại Phòng ĐTHS- PV) là vượt quá quyền hạn, không đúng chức năng, nhiệm vụ được quy định trong Điều lệ, Quy chế của Cty”.
“Vượt quyền” trong việc nhận tiền, ông Luyến và ông Dũng còn tự ý thay mặt Cty chuyển trả 350 triệu đồng cho Cty LICOGI 13 (một nhà thầu phụ của Cty 389). Hành vi này cũng bị Cơ quan ĐTHS Bộ Quốc phòng cho là “vi phạm nguyên tắc thu, chi tiền mặt, luân chuyển tiền tệ và điều kiện khấu trừ thuế GTGT”.
Có trách nhiệm liên đới?
Dù được “nhắc nhở” nhiều lần nhưng cũng phải đến tháng 5/2014, ông Luyến và ông Dũng mới trả Cty 1,3 tỷ đồng một cách khá lắt léo bằng cách chuyển về tài khoản của Xí nghiệp 389.2 - một đơn vị trực thuộc của Cty 389. Nằm ở đây gần hai tháng, số tiền hơn 1,3 tỷ đồng này mới được chuyển tiếp về tài khoản của Cty 389, sau khi có sự can thiệp của Cơ quan ĐTHS Bộ Quốc phòng.
Tài liệu liên quan đến vụ việc. |
Trong đơn gửi đến các cơ quan chức năng, một số cổ đông của Cty 389 cho rằng việc Cty bị một số cá nhân chiếm giữ số lượng tiền lớn, trong thời gian dài (hiện tiền đã về tài khoản Cty nhưng vẫn bị phong tỏa) dẫn đến ngưng trệ các hoạt động của Cty, làm mất uy tín của Cty đối với các đối tác, làm cán bộ và công nhân viên hoang mang. Nếu tình trạng này kéo dài có thể làm Cty phá sản, làm mất vốn nhà nước, mất vốn của các cổ đông và mất việc làm của người lao động” .
Bình luận về vụ việc này, Luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Cty Luật Trường Lộ có quan điểm: “Ông Chung biết số tiền 1,3 tỷ đồng do ông Luyến, ông Dũng chuyển đến không phải là tiền của đơn vị nhưng vẫn cho nhập vào tài khoản của Xí nghiệp tại Ngân hàng là việc chiếm hữu tài sản không có căn cứ và sai luật.
Việc làm này còn mang dấu hiệu “chiếm giữ trái phép” vì ông Chung đã được chủ sở hữu yêu cầu chuyển trả lại tiền nhưng ông Chung không thực hiện. Chỉ sau khi có sự vào cuộc của Cơ quan ĐTHS thì tiền mới được chuyển về cho Cty 389.
Điều này thể hiện sự “cố tình” và nó cũng chỉ mang tính chất “khắc phục hậu quả” mà thôi. Để xem xét trách nhiệm hình sự đối với hành vi “chiếm giữ trái phép” này theo Điều 141 Bộ luật Hình sự thì không cần phải xác định hậu quả xảy ra như thế nào.
Tuy nhiên, theo Kết luận mới đây, Cơ quan ĐTHS Bộ Quốc phòng cho rằng “chưa xác định được hậu quả do Nguyễn Hữu Chung gây ra nên không có cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự và chỉ “xem xét xử lý kỷ luật nghiêm… theo Điều lệnh”./.