Đại diện TANDTC, VKSNDTC bày tỏ sự ủng hộ đối với định hướng này nhưng cũng mong muốn Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu để cải cách mạnh mẽ cả hệ thống VBQPPL.
Đơn giản cả hình thức và thẩm quyền ban hành văn bản
Báo cáo về định hướng đơn giản hóa, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến – Tổ trưởng Tổ biên tập cho biết: Về thẩm quyền ban hành VBQPPL, Dự án Luật đang xem xét, bỏ quy định về thẩm quyền ban hành VBQPPL của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, Tổng Kiểm toán Nhà nước. Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các chủ thể này có thể ban hành văn bản điều hành có chứa quy phạm pháp luật nhưng chỉ để áp dụng trong nội bộ ngành mình.
Về hình thức VBQPPL, Dự án Luật đề xuất giảm tối đa các hình thức VBQPPL để mỗi chủ thể chỉ ban hành một hình thức VBQPPL. Do vậy, có thể nghiên cứu để bỏ hình thức nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh của Chủ tịch nước, chỉ thị của UBND.
Đối với các hình thức văn bản này, các chủ thể vẫn ban hành theo quy trình thông thường và các văn bản này vẫn có hiệu lực thi hành, nhưng không chứa quy phạm pháp luật; đồng thời có thể xem xét để bỏ tất cả các hình thức văn bản liên tịch giữa các cơ quan, tổ chức, kể cả thông tư liên tịch giữa TANDTC, VKSNDTC với một số Bộ và thông tư liên tịch giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ với lý do là Hiến pháp 2013 không quy định về hình thức văn bản liên tịch giữa các cơ quan, tổ chức.
Cần tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn
Rất tán thành định hướng đơn giản hóa hệ thống VBQPPL, nhưng theo Phó Chánh án TANDTC Tưởng Duy Lượng, thời điểm hiện nay mà đề xuất bỏ hình thức nghị quyết của Quốc hội là chưa phù hợp vì có nhiều nội dung trong những nghị quyết nhằm thi hành một luật nào đó vốn dĩ không thể đưa vào luật được nên vẫn phải có nghị quyết để luật được thi hành tốt hơn. Ông Lượng cũng cho rằng, cần thiết phải duy trì hình thức thông tư liên tịch giữa TANDTC, VKSNDTC và một số Bộ bởi pháp luật về tố tụng như Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự… chưa đầy đủ, chưa chi tiết để có thể thi hành được ngay.
Đại diện VKSNDTC băn khoăn khi bỏ thông tư liên tịch giữa cơ quan này với TANDTC và một số Bộ thì sẽ “bó tay” ngành TAND và KSND trong quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các Bộ luật lớn song lại đồng tình bỏ thẩm quyền ban hành VBQPL của Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Tuy nhiên, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Cương phân tích, theo quy định của Hiến pháp 2013, TAND là cơ quan xét xử, VKSND là cơ quan thực hiện quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và Kiểm toán Nhà nước đều là các cơ quan áp dụng pháp luật, không phải là cơ quan hoạch định chính sách. Vì thế, đề xuất bỏ thẩm quyền ban hành VBQPPL của người đứng đầu các cơ quan này là hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc hiến định về phân công thực hiện quyền lực nhà nước, còn “nếu vẫn quy định có thẩm quyền lập quy của cơ quan tư pháp thì không ổn lắm về tổ chức bộ máy nhà nước”.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng nhấn mạnh, tinh thần chung là ủng hộ định hướng đơn giản hóa hệ thống VBQPPL, nhưng qua ý kiến phát biểu thì Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn. Do đó, có thể đưa ra hai phương án hoặc rút gọn như đề xuất của Tổ biên tập, hoặc duy trì như hiện nay. “Đổi mới công tác lập pháp là một quá trình rất khó khăn, song mục tiêu quan trọng phải hướng tới là làm sao cho hệ thống VBQPPL tinh gọn, khả thi” – Thứ trưởng Tụng chia sẻ.