Chiều qua (13/12), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối. Nhiều ủy viên UBTVQH nhất trí ban hành Pháp lệnh sửa đổi để góp phần quan trọng giải quyết tình trạng “đô la hóa” và “vàng hóa” của nền kinh tế.
Ảnh minh họa |
Hạn chế sử dụng ngoại hối
Trình bày thẩm tra dự án Pháp lệnh sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết: Có ý kiến đề nghị cân nhắc cho phép một số trường hợp được ký hợp đồng, báo giá bằng ngoại tệ nhưng sẽ thanh toán bằng đồng Việt Nam để bảo vệ quyền lợi của người cư trú trước rủi ro tỷ giá trong các lĩnh vực được khuyến khích.
Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế cho rằng cần tạo khung pháp lý đồng bộ và thống nhất để giải quyết tình trạng “đôla hóa”, tiến tới xóa bỏ việc sử dụng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán. Để chủ động phòng ngừa rủi ro tỷ giá, khi ký kết hợp đồng các DN có thể sử dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp như hợp đồng phái sinh ngoại tệ… Vì vậy, các ý kiến tán thành với quy định hạn chế sử dụng ngoại hối trong dự thảo Pháp lệnh.
Đồng tình cần tăng cường các biện pháp quản lý để chống đô la hóa nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị “cân nhắc thêm vì có thể chúng ta có những khoản chi tiêu bằng ngoại tệ, nhất là các khoản chi đặc biệt”.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cũng ủng hộ chủ trương hạn chế sử dụng ngoại hối. Theo Phó Chủ tịch, hiện nay chúng ta đã thực hiện rồi (mua bán ngoại tệ phải qua các tổ chức tín dụng, hàng hóa phải niêm yết bằng nội tệ) nhưng ông cũng lưu ý “phải tôn trọng quyền dự trữ ngoại tệ của người dân, xem xét đến việc ảnh hưởng cả đến thu hút ngoại tệ của bà con ở nước ngoài”.
Cần quy định cụ thể
Khoản 2 Điều 8 Pháp lệnh Ngoại hối hiện hành quy định: “Ngoại tệ của người cư trú là cá nhân ở Việt Nam thu được từ các khoản chuyển tiền một chiều được sử dụng cho mục đích cất giữ, mang theo người, gửi vào tài khoản ngoại tệ mở tại tổ chức tín dụng được phép hoặc bán cho tổ chức tín dụng được phép; trường hợp là công dân Việt Nam thì được gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép”.
Các quyền trên được xác lập phù hợp quy định về quyền sở hữu tài sản của cá nhân tại Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cho biết trong thời gian qua có nhiều ý kiến cho rằng quy định về phạm vi sử dụng ngoại tệ của cá nhân tại Pháp lệnh Ngoại hối như trên là tương đối rộng, không phù hợp với mục tiêu của chính sách quản lý ngoại hối, dẫn đến tình trạng sử dụng ngoại tệ phổ biến trong nước, làm gia tăng tình trạng đôla hóa trên lãnh thổ, gây ảnh hưởng đến việc điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.
Do vậy, thực hiện mục tiêu hạn chế tình trạng đôla hóa, cần sửa đổi các quy định trên theo hướng hạn chế bớt các quyền sử dụng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán, công cụ đầu tư của cá nhân.
Tuy nhiên, việc hạn chế các quyền sử dụng ngoại tệ của cá nhân là vấn đề nhạy cảm, có phạm vi ảnh hưởng lớn cũng như có thể tác động đến lợi ích của từng người dân và tổ chức kinh tế. Phản ứng của những đối tượng này sẽ có tác động tiêu cực đến thanh khoản ngoại tệ của hệ thống ngân hàng cũng như ảnh hưởng đến lượng chuyển tiền kiều hối về Việt Nam hằng năm.
Vì thế, khi thảo luận vấn đề này, nhiều ý kiến đề nghị cần hết sức thận trọng. Và nói như Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, “các quy định phải thận trọng, chặt chẽ nhất là những quan điểm, định hướng, những vấn đề cụ thể còn nhiều ý kiến khác nhau… để khi ban hành tránh gây sốc cho người dân và thị trường”.
Hà Anh