Quyết định khó khăn của Tổng thống Pháp vào đêm thứ Sáu, ngày 13

(PLO) - Khi nhận được tin báo đầu tiên về vụ tấn công khủng bố, tổng thống Pháp đã quyết định phong tỏa sân vận động, không để mọi người di tản trong bối cảnh chưa lường hết nguy cơ bên ngoài.
Tổng thống Pháp François Hollande trong phòng kiểm soát an ninh tại sân vận động Stade de France - Ảnh: AP
Tổng thống Pháp François Hollande trong phòng kiểm soát an ninh tại sân vận động Stade de France - Ảnh: AP
Theo Wall Journal Street, khi tiếng nổ do một kẻ đánh bom liều chết gây ra vang lên bên ngoài sân vận động Stade de France, tổng thống François Hollande đang ngồi trong sân theo dõi trận bóng đá giao hữu giữa hai đội tuyển Pháp và Đức.
Quyết định khó khăn
Chỉ vài phút sau khi nhận được tin cấp báo về sự việc Paris đang bị các phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tấn công, ông Hollande phải quyết định giải pháp nào là an toàn hơn trong hai lựa chọn: sơ tán mọi người khỏi sân vận động hay giữ hàng ngàn người ở lại đó.
Theo các quan chức Pháp, ông Hollande đã quyết định cứ để trận đấu diễn ra như bình thường. Tổng thống Pháp cảm thấy quá nguy hiểm khi cho phép đám đông đi ra ngoài lúc này khi mà rất có thể ngoài kia bọn phiến quân đang ẩn nấp chờ họ.
Và thực tế đã đúng như lo ngại của ông Hollande.
Chỉ trong vòng 33 phút sau đó, ba nhóm phiến quân IS đã phối hợp với nhau tác chiến tại một nhà hát và năm địa điểm đông người tụ tập trong thành phố. Chúng đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 129 người.
Tại sân vận động Stade de France vào khoảng 21g30 (giờ địa phương), đám đông lại nghe thấy một tiếng nổ thứ hai. Một kẻ đánh bom liều chết khác đã tự kích nổ bom trên người hắn tại khu Cổng H của sân vận động.
Lần này, trận đấu trong sân vẫn tiếp tục theo yêu cầu của ông Hollande. Theo bà Laura Goutry, phát ngôn viên của liên đoàn bóng đá Pháp, căn cứ vào tình hình tại sân vận động, ông Hollande và các cộng sự của ông cho rằng “sân vận động vẫn là nơi an toàn nhất cho những người hâm mộ”.
Cũng theo nguồn tin từ các quan chức lực lượng an ninh, một kẻ đánh bom liều chết trước khi tự kích nổ đã cố dùng vé xem trận đấu để tìm cách lọt vào sân vận động nhưng không được.
Một cảnh sát cho rằng rất có thể tên này có ý định gây ra cảnh hỗn loạn, giẫm đạp trong sân để buộc mọi người đổ ra phố, khi đó hai kẻ tấn công là đồng phạm của hắn đã rình nấp sẵn đợi tấn công.
Bà Goutry nói: “Khu vực xung quanh vẫn chưa an toàn”. Tới giờ giải lao giữa hai hiệp đấu, nhà chức trách lặng lẽ tiến hành phong tỏa toàn bộ sân vận động, đóng cửa các lối ra và không cho ai rời khỏi sân.
Cùng lúc đó một kẻ đánh bom liều chết thứ ba đã tự kích nổ ở một nhà hàng McDonald cũng gần với sân vận động nhưng đã không làm ai thiệt mạng.
Sau giờ nghỉ giải lao, ông Hollande lại phải ra một quyết định tiếp theo: có nên tiếp tục trận đấu hay không. Nếu tiếp tục, người ta sẽ không thông báo với các tuyển thủ về những việc xảy ra và các khán giả cũng không thắc mắc về sự cố trục trặc. Cũng như trong nhiều trận đấu khi đám đông người xem qua lớn, tín hiệu điện thoại di động rất chập chờn.
Do đó theo phát ngôn viên của đội tuyển bóng đá Pháp, Philippe Tournon, trong giờ nghỉ giải lao giữa trận, ban huấn luyện đội bóng cũng như giới quan chức đã quyết định sẽ không nói cho các tuyển thủ biết về sự cố. Họ tin rằng bên trong sân vận động vẫn an toàn.
Ông Tournon nói: “Không đáng phải gây kinh động tới các cầu thủ và để họ phải đặt ra những câu hỏi mà chúng tôi không thể trả lời”.
Với những quyết định đó, trận đấu bóng giao hữu giữa hai đội tuyển đã kết thúc sau hơn một giờ đồng hồ. Kết quả đội Pháp giành chiến thắng 2-0 và khán giả được phép rời sân, nhưng các tuyển thủ bị buộc phải ở lại. Tới lúc họ được phép rời sân thì hầu hết các tuyển thủ đã biết tin về những vụ tấn công đã xảy ra.
Pháp đưa tàu sân bay trở lại tham chiến với IS
Phía Pháp đã thông báo triển khai tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân Charles de Gaulle tham gia chiến dịch chống IS tại Iraq và Syria, ngày 5/11 vừa qua. Tổng thống Francois Hollande nói rằng ngoài tàu sân bay còn có một đội tàu chiến và các máy bay hộ tống tham gia chống IS, theo tờ L’Express.
Tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân Charles de Gaulle của Pháp.
 Tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân Charles de Gaulle của Pháp.
Charles de Gaulle là tàu sân bay hạt nhân duy nhất của Pháp, hạ thủy năm 1994 và chính thức bàn giao cho Hải quân Pháp năm 2000. Tàu Charles de Gaulle dài 261,5 m, rộng 64,36 m, mớn nước 8,5 m (9,5 m lúc chở nặng), đường băng dài 196 m. 
Tàu có lượng giãn nước tối đa 42.000 tấn, tốc độ 27 knot (50 km/giờ). Tàu có 1.350 thành viên thủy thủ đoàn, tính cả lính không quân là 1.950 người. Lượng lương thực trên tàu có thể đáp ứng cho thủy thủ đoàn trong 45 ngày, theo Le Figaro.
Charles de Gaulle được trang bị 2 hệ thống phòng không Sylver với 32 tên lửa phòng không Aster tốc độ cao; 2 giàn phóng Sadral bắn các tên lửa Mistral; 4 ụ súng 12,7 mm; 8 khẩu pháo 20 mm. Tàu Charles de Gaulle có thể chở theo 550 tấn vũ khí và 3.400 tấn nhiên liệu. 
Tàu có hệ thống CMS Model 8 có khả năng theo dõi 2.000 mục tiêu trên không, trên biển và trên bờ cùng lúc, theo Global Security.
Charles de Gaulle có thể chở từ 35-40 máy bay, mỗi ngày thực hiện khoảng 100 lần cất cánh. Tàu có 2 máy phóng giúp máy bay như Rafale, Hawkeye hay Super Etendard tăng tốc lên 300 km/giờ chỉ trong khoảng cách chạy đà 75 m. Mỗi máy bay có thể xuất phát cách nhau 30 giây và đường băng có thể tiếp nhận 20 máy bay hạ cánh chỉ trong 12 phút. 
Đội bay thường trực trên tàu gồm 12 chiến đấu cơ Rafale, 9 chiếc Super Etendard, 2 máy bay do thám Hawkeye, 2 trực thăng chiến đấu Dauphin và 1 trực thăng Alouette.

Đọc thêm