Reuters đưa tin, Thủ tướng Johnson đã muốn sử dụng hội nghị trong tuần này để lật lại những vấn đề của hơn 18 tháng đối phó với dịch COVID-19 và tập trung vào các cam kết tranh cử năm 2019 của ông về giải quyết bất bình đẳng trong khu vực, tội phạm và chăm sóc xã hội.
Nhưng thay vào đó, Thủ tướng muốn khẳng định, sau 9 tháng từ khi Anh hoàn thành việc rút khỏi Liên minh châu Âu cho thấy một sự ra đi mà "sẽ mang lại cho đất nước sự tự do để định hình nền kinh tế tốt hơn".
Hiện Thủ tướng Anh đang phải đối mặt với sự phản đối kịch liệt của những người không thể đổ đầy xăng cho xe của họ, bởi các nhà bán lẻ lo ngại thiếu hàng hóa cho mùa Giáng sinh và bởi các công ty xăng đang vật lộn với giá tăng vọt.
Trong một tuyên bố được đưa ra vào đêm trước hội nghị thường niên của Đảng Bảo thủ ở thành phố Manchester, Thủ tướng Boris Johnson không đề cập đến các cuộc khủng hoảng đang diễn ra và thay vào đó nói lên điều mà ông gọi là "thành tích theo dõi việc thực hiện các ưu tiên của người dân" của Chính phủ.
Thủ tướng Boris Johnson, đến thăm địa điểm của bệnh viện trẻ em mới tại bệnh xá đa khoa Leeds vào thứ Bảy ngày 2 /10/2021. Ảnh: AFP/Getty Images |
"Chúng tôi đã không sử dụng COVID để quay lại mọi thứ trước đây - về nguyên trạng. Build Back Better có nghĩa là chúng tôi muốn mọi thứ thay đổi và cải thiện khi chúng ta phục hồi", Thủ tướng nói.
"Điều đó có nghĩa là đưa ra những quyết định lớn và táo bạo về những ưu tiên mà mọi người quan tâm - như chăm sóc xã hội, hỗ trợ việc làm, về biến đổi khí hậu, giải quyết tội phạm và thăng cấp", theo lời Thủ tướng được Reuters trích dẫn.
Ông Johnson lặp lại câu thần chú của mình rằng "Chính phủ đã làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ các doanh nghiệp trong thời kỳ đại dịch, bảo vệ việc làm và đã triển khai thành công chương trình tiêm chủng hàng loạt".
Nhưng đối với nhiều nhà phê bình, tuyên bố thường được lặp đi lặp lại này nhấn mạnh sự từ chối thừa nhận những sai lầm trong những ngày đầu của đại dịch do Chính phủ chậm chạp trong việc đóng cửa nền kinh tế để ngăn chặn sự lây lan của virus.
Tại hội nghị, việc rút lại một khoản trợ cấp nhà nước dành cho các hộ gia đình có thu nhập thấp và kết thúc chương trình hỗ trợ việc làm COVID cũng có thể thu hút sự chỉ trích từ một số nhà lập pháp, đặc biệt là những người từ các vùng ở miền bắc và miền trung nước Anh vốn đã ủng hộ Đảng Lao động đối lập.
Dòng xe xếp hàng chờ nạp nhiên liệu tại một trạm đổ xăng ở phố Baker, London, hôm thứ Bảy (2/10/2021). Ảnh: AFP / Getty Images |
Theo The Guardian, trước Hội nghị của Đảng Bảo thủ vào tối thứ Bảy, một nhóm các nghị sĩ Đảng Bảo thủ cấp cao đã công khai đặt câu hỏi làm thế nào để Thủ tướng Boris Johnson có thể thực hiện lời hứa "tăng cường thịnh vượng ở những vùng nghèo hơn của Vương quốc Anh, đồng thời tăng thuế đối với người dân lao động và cắt giảm phúc lợi".
Các nghị sỹ bày tỏ lo ngại rằng việc tăng thuế và cắt giảm tín dụng phổ thông có thể làm xói mòn lòng tin của cử tri đối với Thủ tướng Johnson và khả năng của ông về cung cấp cho những người ở những khu vực thiếu thốn hơn.
Theo khảo sát của Rowntree Foundation cho thấy, 312.000 gia đình trong độ tuổi lao động ở khu vực Greater Manchester, sẽ bị ảnh hưởng bởi việc cắt giảm 20 bảng một tuần trong tín dụng phổ thông và tín dụng thuế lao động. Việc cắt giảm được đưa ra trong bối cảnh áp lực lạm phát đang gia tăng do giá xăng tăng và chi phí thực phẩm ngày càng tăng. Ngân hàng Trung ương Anh kỳ vọng lạm phát giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng trên 4% do giá nhập khẩu tăng.
Trong Hội nghị vào tối thứ Bảy này, Chính phủ đã công bố khoản tài trợ mới 22 triệu bảng cho các sân quần vợt công cộng và 30 triệu bảng một năm hướng tới việc cải tạo và mở các công trình thể dục thể thao học đường. Quyết định này có thể được cộng đồng thể thao hoan nghênh nhưng có lẽ sẽ được coi là một đóng góp hạn chế vào thách thức rộng lớn hơn trong việc "nâng cấp đất nước" như lời hứa của Thủ tướng.