Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tóm tắt các Tờ trình; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày tóm tắt các Báo cáo thẩm tra việc thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, việc thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang và việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa theo các Tờ trình của Chính phủ đều phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu tổ chức quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn, tạo điều kiện phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Ủy ban Pháp luật đã đề nghị Chính phủ, chính quyền tỉnh Bắc Giang và tỉnh Thanh Hóa quan tâm một số vấn đề sau:
Thứ nhất, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Phương án sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã trên địa bàn thị xã Việt Yên và huyện Thiệu Hóa theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết số 37-NQ/TW, Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm tính tổng thể, toàn diện, có sự tiếp nối của giai đoạn 2023 - 2025 với giai đoạn 2026 - 2030, tránh trường hợp khi xây dựng phương án sắp xếp các ĐVHC trong giai đoạn 2026 - 2030 lại gặp khó khăn do không thể nhập, điều chỉnh với các ĐVHC khác liền kề.
Thứ hai, quan tâm, bố trí nguồn lực đầu tư để bảo đảm chất lượng đô thị đối với khu vực dự kiến thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, khu vực thị trấn Thiệu Hóa mở rộng và khu vực dự kiến thành lập thị trấn Hậu Hiền, đặc biệt là các tiêu chuẩn thành phần chưa đạt mức tối thiểu theo quy định.
Thứ ba, khẩn trương có phương án đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; có phương án triển khai việc bố trí, sắp xếp 17 công chức dôi dư sau khi nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa hiệu quả để hoàn thành sớm nhất có thể nhằm chuẩn bị tốt cho công tác Đại hội đảng bộ các cấp và công tác bầu cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2026 - 2031.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. (Ảnh: Nghĩa Đức) |
Thứ tư, khẩn trương có phương án, giải pháp, xử lý tài sản, sắp xếp trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức sau khi nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Thứ năm, rà soát lại các nội dung công việc và thời hạn hoàn thành trong dự thảo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bảo đảm rõ việc, rõ chủ thể chịu trách nhiệm và tiến độ hoàn thành. Trong đó, cần có phương án chủ động cập nhật, điều chỉnh thông tin liên quan về địa chỉ nơi cư trú của người dân, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thay đổi các loại giấy tờ có liên quan khi người dân, doanh nghiệp có yêu cầu; rà soát, xem xét lại thủ tục thu hồi và sử dụng con dấu bảo đảm phù hợp với quy định của Chính phủ.
Những nội dung nêu trên đã được đại diện Chính phủ (Bộ Nội vụ), UBND tỉnh Bắc Giang, UBND tỉnh Thanh Hóa cung cấp thông tin, giải trình, tiếp thu tại phiên họp của Ủy ban Pháp luật và Chính phủ đã có Báo cáo giải trình cụ thể gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp này. Ủy ban Pháp luật đã tiến hành biểu quyết với 100% thành viên tham dự phiên họp tán thành việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; Nghị quyết về việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Về thời điểm có hiệu lực của 2 Nghị quyết, trường hợp được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Ủy ban Pháp luật đề nghị xác định ngày có hiệu lực thi hành của các Nghị quyết là ngày 1/2/2024 để các cơ quan, tổ chức và địa phương kịp thời kiện toàn tổ chức, thay đổi con dấu và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của ĐVHC mới được thành lập (hiện trong dự thảo Nghị quyết do Chính phủ trình chưa xác định thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết).